Tờ New York Times tuần trước dẫn báo cáo của một ủy ban LHQ đưa tin Triều Tiên đã cung cấp cho Syria những vật liệu có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hóa học, và nước này đã phái các kỹ thuật viên về tên lửa sang các cơ sở tên lửa và hóa học của Syria.
Một giám đốc bộ phận báo chí của Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã phủ nhận thông tin trên. Ông này nhấn mạnh, Mỹ đã dựng chuyện về sự hợp tác giữa Triều Tiên và Syria nhằm gia tăng các lệnh trừng phạt chống Bình Nhưỡng và biện minh cho hành động xâm lược quân sự của mình tại Syria.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời quan chức trên khẳng định: "Như đã được làm sáng tỏ nhiều lần, Triều Tiên không có hồ sơ phát triển, chế tạo cũng như dự trữ vũ khí hạt nhân. Triều Tiên phản đối chính những vũ khí này". Bình Nhưỡng đã chính thức ký Công ước Vũ khí Sinh học từ năm 1987.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 1-3 về việc điều tra của Ủy ban quốc tế độc lập được LHQ ủy quyền liên quan tới cáo buộc quân Chính phủ Syria sử dụng khí Clo tại tỉnh Idlib (I-đíp) và Đông Ghouta (Gu-ta) của Syria, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy quân đội Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta.
Hiện Mỹ đang đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ mở một cuộc điều tra mới về các vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria sau khi các báo cáo nghi ngờ việc sử dụng khí Clo ở Đông Ghouta.
Theo dự thảo nghị quyết đã được trình lên HĐBA LHQ hôm 28-2, ủy ban Cơ chế Điều tra độc lập của LHQ sẽ được thành lập trong giai đoạn 1 năm nhằm xác định thủ phạm tiến hành các vụ tấn công hóa học tại Syria.
Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert (Hi-thơ Nau-ớt) đã cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hoá học gần thành phố Saraqib (Xa-ra-íp) của Idlib. Bà Nauert cho biết Washington tin rằng Nga đã bao che cho nhà chức trách Syria trong việc tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc như vậy, vốn được cho là dựa vào những tin đồn.
Nga cũng đã đệ trình một dự thảo nghị quyết riêng nhằm thành lập một ủy ban điều tra mới về vấn đề này, song hiện chưa rõ dự thảo nghị quyết của Nga hay của Mỹ sẽ được đưa ra bỏ phiếu.
Cho đến nay, Chính phủ Syria vẫn khẳng định nước này đã tiêu hủy kho vũ khí hóa học và bác bỏ các "cáo buộc không chính xác" của nhiều nước nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad (Ba-sa an Át-xát) về việc sử dụng loại vũ khí này. Nga cũng đặt nghi vấn đối với những kết luận của LHQ rằng Moskva đã tiến hành các cuộc tấn công bằng sarin và Clo.
Trước đó, ngày 24-2, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria, để cho phép các hoạt động vận chuyển hàng viện trợ và sơ tán những người bị thương ở khu vực Đông Ghouta của Syria.
Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk (Y-a-múc), Foua (Phu-a) và Kefraya (Kê-phray-a), đồng thời yêu cầu tất cả các bên "chấm dứt việc cướp bóc thuốc men và thực phẩm của dân thường".
Tuy nhiên, bất chấp hàng loạt yêu cầu ngừng bắn, các cuộc không kích và giao tranh hạng nặng vẫn diễn ra tại Đông Ghouta. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), đã có hàng chục dân thường thiệt mạng trong loạt vụ không kích mới nhất tại đây.
THEO TTXVN