Triển lãm tranh “Hàng Trống xưa và nay” gồm 10 tác phẩm làm bằng kỹ thuật kim sa - nghệ thuật mô phỏng kĩ nghệ Pháp Lam Huế trên nền tranh dân gian Hàng Trống, do nhóm Họa Gấm thực hiện. Những tác phẩm này nằm trong dự án “Họa linh sắc Việt - Vẽ tâm linh bản sắc người Việt” của nhóm Họa Gấm.
Bằng nghệ thuật họa kim sa, các tác phẩm tranh dân gian Hàng Trống được tái hiện sinh động, thổi hồn một diện mạo mới trong từng bức tranh. "Họa kim sa" nghĩa là vẽ tranh bằng chất liệu kim loại và màu cát. Các nghệ nhân đã sử dụng những nguyên liệu đơn giản như cát thạch anh, dây tơ đồng để tạo nên những bức tranh đầy màu sắc như Tứ Phủ Công Đồng, Đại Thế Chí Bồ Tát, Ngũ Hổ Thần Tướng, Quan Hoàng Đôi, Tiên Cô Chín...
Triển lãm được tổ chức trong không gian đình Nam Hương, nơi thực hành tín ngưỡng của cộng đồng gắn với tranh dân gian Hàng Trống, nhằm phát huy giá trị không gian di tích văn hóa của đình Nam Hương, gắn với việc khôi phục, quảng bá đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, Ban Tổ chức còn tổ chức chương trình Talkshow “Câu chuyện Hàng Trống xưa và nay” từ 8h sáng ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết) với những chia sẻ về tranh dân gian Hàng Trống, về Hà Nội xưa của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, kiến trúc sư Nguyễn Nga, Nhà sáng lập Họa Gấm Nguyễn Hoàng Anh, Nhà sáng lập Đông phong cổ phục Nguyễn Đức Huy.
Cùng với đó, còn có Workshop “Thẻ cầu may”. Tại Workshop “Thẻ cầu may”, khách tham dự có thể tự tay trải nghiệm làm thẻ may mắn đầu Xuân bằng nghệ thuật họa kim sa do nhóm Họa Gấm trực tiếp hướng dẫn. Đây là lời chúc cho một năm mới bình an, thịnh vượng và là một hoạt động sáng tạo tôn vinh nét đẹp văn hóa của Việt Nam.
Triển lãm tranh họa kim sa “Hàng Trống xưa và nay” sẽ diễn ra đến ngày 25/2, tại đình Nam Hương, 75 phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).