Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Về phía Ủy ban Dân tộc, có sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, Hoàng Thị Hạnh.
Trình bày dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, mục tiêu của Nghị quyết nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đạt được các mục tiêu của Đề án đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18 tháng 11 năm 2019. Cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán của Chính phủ trong chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội. Xác định rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp; giao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ được giao.
Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp được giao tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN và chính sách dân tộc để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ kịp thời các văn bản không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.
Xây dựng tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở cho việc xác định địa bàn, đối tượng ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030 với 10 dự án thành phần….
Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Quốc hội quyết định chủ trương và phân bổ nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng Ban thường trực, có sự tham gia của bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình.
Xây dựng Nghị định của Chính phủ về bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc làm đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN. Xây dựng kế hoạch vốn và bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và hướng dẫn tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung liên quan… Dự thảo Nghị quyết đã chỉ rõ, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện Nghị quyết.
“Thay mặt Ủy ban Dân tộc và đồng bào vùng DTTS&MN, tôi trân trọng cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã giành sự quan tâm đặc biệt phê duyệt Đề án. Theo đó, ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Sự kiện công bố Nghị quyết là dấu mốc lịch sử trong công tác dân tộc, là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN. Với trách nhiệm của cơ quan tham mưu, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp cùng với các bộ ngành, đưa Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 88 của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ đi vào cuộc sống, nỗ lực cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến gửi gắm niềm tin.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Việc ban hành Nghị quyết là quyết định đúng chủ trương, đường lối của Đảng và đúng Hiến pháp. Để tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với công tác dân tộc. Thực hiện mục tiêu ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, làm sao để miền núi tiến kịp miền xuôi, đồng bào có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau kỳ họp, Chính phủ sớm hoàn thiện, ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết nhanh chóng, kịp thời. Hướng dẫn các bộ, ngành triển khai thắng lợi Nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tăng cường tuyên truyền, giám sát việc thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới.