Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2018 ngành hàng cá tra đã gặp không ít khó khăn, thách thức liên quan đến thời tiết bất thường, khó dự báo; thách thức liên quan đến bảo hộ mậu dịch của các nước, đặc biệt thuế chống bán phá giá POR 13 cao kỷ lục; Chương trình thanh tra cá da trơn Hoa Kỳ bước vào giai đoạn quan trọng, quyết định kết quả công nhận tương đương; Nhiều thị trường như EU, Ả rập Xê út tiếp tục giảm sút hoặc dừng nhập khẩu do tác động từ các thông tin truyền thông bất lợi...
Tuy nhiên, bằng những nỗ lực vượt bậc, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, quản lý con giống, vật tư đầu vào và phòng ngừa dịch bệnh với hoạt động phối hợp, xử lý rào cản kỹ thuật... Từ 6 tháng cuối năm 2018, ngành hàng cá tra Việt Nam đã từng bước phục hồi và vươn lên ngoạn mục trên các lĩnh vực: Diện tích nuôi, sản lượng, giá bán và kim ngạch xuất khẩu.
Theo thống kê năm 2018, cá tra Việt Nam xuất khẩu tới 133 thị trường với sản lượng đạt 876,6 nghìn tấn; diện tích nuôi đạt 5.400ha (tăng 3,25% so với năm 2017), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn (tăng 15% so với năm 2017). Giá cá tra nguyên liệu trung bình là 29.800 đồng/ký, cao hơn mức giá trung bình năm 2017 là 4.000 đồng/ký, có thời điểm giá cá tra lên đến 35.000-36.000 đồng/ký, đạt mức kỷ lục; giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra mục tiêu: “Trong năm 2019, ngành hàng cá tra đặt mục tiêu sản lượng nuôi 1,51 triệu tấn, tăng 6,6% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu cá tra trên 2,4 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2018. …”.
Để đạt được mục tiêu này, các đại biểu cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài, không ngừng cạnh tranh để gặt hái được thắng lợi…
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu: “Các địa phương tăng cường kiểm soát chất lượng giống, đảm bảo đủ lượng cung cấp, tổ chức kiểm tra và kiểm soát các cơ sở sản xuất giống; kiểm soát chặt chẽ việc nuôi, tránh ồ ạt khiến cung vượt cầu; thành lập vùng nuôi tập trung, tránh nuôi nhỏ lẻ; tăng cường xúc tiến thương hiệu và các sản phẩm mới từ cá tra tại nhiều thị trường khác nhau, trong đó chú ý đến thị trường Ấn Độ và phục hồi thị trường EU…”.
N.TÂM