Tại tỉnh Kon Tum: Những năm qua, công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS luôn được ngành Giáo dục tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện. Ðối với cấp mầm non, các đơn vị tập trung tăng cường tập nói tiếng Việt cho trẻ từ 3 - 5 tuổi thông qua các hoạt động âm nhạc, văn học, chữ viết. Giai đoạn 2021 - 2023 đã có 100% số trẻ mẫu giáo 5 tuổi DTTS được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Kết quả các trường đã thực hiện 16.807 tiết dạy tăng cường tiếng Việt và 1.202.862 tiết dạy phụ đạo, bồi dưỡng cho trẻ mầm non.
Ðáng chú ý, khi Thông tư số 23/2023/TT-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1 được ban hành, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Kon Tum đã kịp thời tham mưu điều chỉnh nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh bảo đảm đáp ứng định mức chi trả như tăng định mức hỗ trợ; sắp xếp bảo đảm việc nghỉ chế độ trong hè cho giáo viên vừa đáp ứng việc tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1 cho trẻ 5 tuổi DTTS.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Kon Tum cũng chủ động triển khai biên soạn tài liệu tăng cường tiếng Việt dành cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 và được các nhà trường đón nhận, học sinh thích thú say mê; bảo đảm sự sẵn sàng cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1.
Với đặc thù địa bàn có hơn 70% số học sinh là người DTTS, tỉnh Lào Cai luôn dành nhiều sự quan tâm trong việc phát triển giáo dục vùng DTTS.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Lào cho biết: Năm học 2023 - 2024, tỉnh có 61.027 học sinh DTTS, chiếm 71,5%. Nhận thức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp 1 là vấn đề hết sức cần thiết, hằng năm, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trên địa bàn. Ðến nay, tất cả các trường đều xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt thân thiện với học sinh DTTS như: Thư viện đa năng, thư viện xanh, thư viện di động, làm truyện tranh khổ to, khổ nhỏ; tổ chức hội trại đọc; tại các thôn bản xây dựng thư viện cộng đồng; tăng cường hoạt động trải nghiệm "Ngày hội cha mẹ cùng con học tiếng Việt tại nhà nhằm nâng cao năng lực và các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh.
Còn tại tỉnh Quảng Bình việc chuẩn bị cho trẻ em trước khi vào lớp 1 được ngành Giáo dục tỉnh chủ yếu tập trung vào giảng dạy, tăng cường nội dung tiếng Việt. Sau khi được tham gia bồi dưỡng tại các buổi tập huấn do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức, ngoài nội dung tiếng Việt, các em còn được làm quen với các kỹ năng mềm của học sinh tiểu học. Ðiều này giúp trẻ không bị bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường giáo dục từ bậc mầm non lên bậc tiểu học. Ðây là việc làm ý nghĩa đối với học sinh DTTS, nhất là bảo đảm quyền lợi được học tập, được giáo dục của các em.
Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Thái Văn Tài khẳng định: Ðể thực hiện thành công đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS trước khi vào lớp 1 có vai trò quan trọng, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm chất lượng học sinh tốt nhất cho vùng DTTS.
Hiện nay tại nhiều địa phương, học sinh lớp 1 vùng DTTS đang sử dụng Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai khi học các môn học khoa học và các em đang thiếu các năng lực về ngôn ngữ tiếng Việt. Thông tư số 23/2023/TT-BGDÐT quy định về dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1 sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ðây sẽ là căn cứ thực hiện những chế độ, chính sách đối với giáo viên, trẻ em, học sinh là người DTTS thông qua việc bảo đảm các điều kiện thực hiện dạy và học tiếng Việt.