Ví dụ tới làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) chúng ta thấy nhiều bức tranh bé trai ôm gà selfie, bé gái đeo tai nghe nhảy hiphop, hay bà nguyệt thả tim xe duyên… Hay nhiều tấm thổ cẩm thêu tay của người Mông, người Dao gắn lên chiếc váy hiện đại, gốm truyền thống nặn hình nhân vật hoạt hình như đôremon, pikachu…
Thoạt nhìn những sản phẩm này, nhiều người sẽ cho là quá khác biệt, thậm chí người khó tính sẽ cho là làm méo mó sản phẩm truyền thống, sai lệch văn hóa dân tộc…
Quả là những sản phẩm này rất khác biệt. Nhưng bình tâm nhìn nhận, thì đó cũng là một cách làm hợp lý và hợp thời.
Xét ở góc độ thị trường. Với quy luật cung-cầu thì đây là một tất yếu. Bởi nhận thức của con người ngày nay thay đổi rất nhiều so với trước kia. Do vậy nhu cầu của họ cũng rất khác. Những bức tranh Đông Hồ xưa, thường chỉ được bán vào những phiên chợ cuối năm, nhưng nay có thể chen chân tới các cửa hàng quanh vùng, trung tâm thương mại, triển lãm trong nước và quốc tế… Người dùng cũng không bó hẹp mà được mở rộng tới các đối tượng khác nhau từ lứa tuổi, giới tính, thậm chí là quốc tịch…
Nhìn nhận ở khía cạnh văn hóa. Đầu tiên, chúng ta vẫn biết rằng, đối với các sản phẩm truyền thống, người làm không chỉ đơn thuần là mưu sinh. Ở góc độ này, họ chính là những nghệ nhân, nghệ sĩ thực thụ. Sản phẩm họ làm ra không chỉ để bán kiếm lời mà còn là trao truyền văn hóa của cha ông. Bởi vậy, họ muốn giữ nguyên hồn cốt của các sản phẩm truyền thống.
Đây là một “cái tâm” đáng quý, đáng trân trọng, chúng ta phải tìm cách phát huy. Tuy nhiên, bên cạnh “mạch ngầm” văn hóa đó, có lẽ những nghệ nhân này cũng cần mở rộng góc nhìn hơn. Đã là văn hóa thì bao giờ cũng có sự giao lưu, tiếp biến. Không chỉ ngày nay, mà thời nào cũng vậy, các thế hệ sau khi tiếp nhận truyền thống của cha ông, bên cạnh việc kế thừa họ cũng có sự biến đổi cho phù hợp. Điều này khi đến tự nhiên sẽ hài hòa, đến gượng ép sẽ làm biến dạng và sai lệch.
Trong thời kỳ công nghệ 4.0 phát triển như hiện nay, mọi sản phẩm thường được tích hợp nhiều tính năng. Bởi vậy, văn hóa truyền thống cũng nên phát huy theo lối này. Trong mỗi xưởng sản xuất tranh, gốm, thổ cẩm… vẫn nên duy trì những người thực sự tâm huyết để làm ra các sản phẩm truyền thống nguyên bản. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những “hạt nhân” này cần “truyền lửa” đam mê cho những thành viên khác. Và “ngọn lửa” đó vẫn có thể cháy theo cách của mình. Tức là họ có thể sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu hơn. Có như vậy, chúng ta mới giải quyết được bài toán vừa đảm bảo gìn giữ văn hóa dân tộc, vừa giúp văn hóa truyền thống “sống” được trong nhịp sống đương đại.
KẺ SĨ