Đại diện Lotte Mart đánh giá cao tiềm năng của trái bưởi Việt Nam nhờ hương vị ngọt thanh, hàm lượng vitamin C cao và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Hàn Quốc. Ảnh: TLSự kiện này không chỉ là minh chứng cho chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam mà còn khẳng định nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp và các cơ quan hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam – Hàn Quốc.
Tính đến hết năm 2024, Hàn Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt khoảng 82 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc vẫn tăng trưởng tốt bất chấp những tác động tiêu cực nền kinh tế thế giới tác động, cụ thể: cà phê (141 triệu USD, tăng 22%); thủy sản (810 triệu, tăng 2%); đặc biệt là hàng rau quả tươi (đạt 319 triệu USD, tăng 40%).
Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc (KREI), kim ngạch nhập khẩu trái cây tươi của Hàn Quốc đã tăng vọt lên mức kỷ lục 1,45 tỷ USD vào năm 2024, đánh dấu mức tăng 20,1% so với năm trước. Mức tăng trưởng này phản ánh sự phụ thuộc ngày càng lớn của thị trường Hàn Quốc vào nguồn trái cây nhập khẩu, trong bối cảnh sản xuất nội địa gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết bất lợi và biến đổi khí hậu. Các chuyên gia dự báo xu hướng nhập khẩu trái cây tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh. KREI ước tính tổng lượng trái cây nhập khẩu, bao gồm các loại tươi, khô và đông lạnh, sẽ tăng 6,8% lên 817.000 tấn vào năm 2025, đến năm 2034 sẽ đạt 865.000 tấn, phản ánh tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 0,6%.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây lớn thứ 5 của Việt Nam
Hiện nay, Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu trái cây lớn thứ 5 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản. Với sản phẩm chất lượng trái cây hằng năm của Việt Nam đạt hơn 12 triệu tấn (theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong đó bưởi có năng suất khoảng 1,2 triệu tấn, tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang Hàn Quốc là rất lớn. Người tiêu dùng Hàn Quốc ngày càng ưa trái cây nhiệt đới giàu dinh dưỡng, tạo cơ hội cho bưởi Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm từ Mỹ (cam, táo) và Thái Lan (sầu riêng, chôm chôm). Giá bưởi xuất khẩu sang Hàn Quốc trung bình đạt 2,4 USD/kg, cao hơn 30% so với giá tại Trung Quốc (1,8 USD/kg), cho thấy giá trị gia tăng đáng kể mà thị trường Hàn Quốc mang lại.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ năm 2018, Việt Nam đã chính thức khởi động quá trình đàm phán mở cửa thị trường Hàn Quốc cho trái bưởi. Tuy nhiên, tiến trình này chỉ thực sự được đẩy mạnh sau đại dịch COVID-19. Sau hai năm tích cực trao đổi, phân tích nguy cơ dịch hại và trải qua nhiều vòng đàm phán kỹ thuật, đến tháng 4 năm 2024, Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam và Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc đã đạt được sự thống nhất về các điều kiện kỹ thuật nhập khẩu.
Từ tháng 8/2024, bưởi Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc với điều kiện kiểm tra mẫu từng lô hàng trước khi thông quan. Đến tháng 9/2024, Công ty Hoàng Huy đã xuất khẩu thành công lô bưởi đầu tiên với sản lượng 5 tấn, mở đầu cho chiến lược phát triển sản phẩm này trở thành mặt hàng chủ lực tại thị trường Hàn Quốc. Trong năm 2025, Công ty Hoàng Huy đặt mục tiêu xuất khẩu 500 tấn bưởi, với tổng giá trị ước tính lên đến 1,2 triệu USD (tương đương khoảng 30 tỷ đồng).
Trái bưởi Việt Nam được đánh giá cao
Đại diện Lotte Mart đánh giá cao tiềm năng của trái bưởi Việt Nam nhờ hương vị ngọt thanh, hàm lượng vitamin C cao và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Hàn Quốc. Sau lô hàng đầu tiên được phân phối tại chi nhánh Lotte Mart Jamsil, tập đoàn này dự kiến sẽ mở rộng phân phối ra các chi nhánh khác nếu nhận được phản hồi tích cực từ thị trường.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, sự kiện này là động lực thúc đẩy đầu tư vào công nghệ chế biến, cải thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin thị trường, kết nối đối tác, hoàn thiện thủ tục xuất khẩu và đa dạng hóa sản phẩm, mở ra một chương mới đầy triển vọng cho ngành nông sản Việt Nam.