Tiêu biểu như Thượng tọa Thạch Thảo, Sư cả chùa Kan Đal ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân (huyện Cầu Kè). Là Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), 5 năm qua, Thượng tọa Thạch Thảo đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ hàng tỷ đồng để ủng hộ xây nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ người già, bệnh nhân neo đơn; tặng học bổng, tập viết cho tăng sinh, học sinh nghèo; đóng góp vào Quỹ an sinh xã hội của địa phương...
Ngoài ra, Chùa Kan Đal kết hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng của xã mở các lớp tập huấn, các lớp học Ngữ văn Khmer cho người dân trong ấp. Chùa là điểm học tập cộng đồng đầu tiên của xã Hòa Ân, hoạt động ngày càng có hiệu quả, giúp cho người dân trong ấp am hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Còn Thượng tọa Thạch Thưa, Sư cả chùa ArunRanSây ChacKrôn ấp Đại Trường, xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần), kiêm thêm chức sắc Phó trưởng ban Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần. Với trách nhiệm của mình, Thượng tọa Thạch Thưa thường xuyên phối hợp với các vị trụ trì và Ban Quản trị chùa triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; giáo dục phật tử không vi phạm pháp luật, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư.
Thượng tọa Thạch Thưa còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 1.000 phần quà để tặng cho các cụ cao tuổi có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo và các em học sinh nghèo hiếu học, tổng trị giá các phần quà hàng trăm triệu đồng vào các dịp lễ của đồng bào Khmer.
Theo ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh: Những năm qua, hầu hết gia đình Người có uy tín đều đăng ký xây dựng và đạt gia đình văn hóa.
Trong công tác bảo tồn phát triển ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc có vai trò đóng góp không nhỏ của Người có uy tín là sư sãi, chức sắc tôn giáo. Hiện nay, hầu hết các điểm chùa đều mở lớp dạy ngữ văn Khmer, nhà chùa thành nhà trường, các vị sư sãi trở thành thầy giáo đứng lớp. Người có uy tín đã tích cực tham gia vận động con cháu trong độ tuổi đi học, tỷ lệ học sinh Khmer đi học, đồng thời khuyến khích các em tham gia học ngữ văn Khmer để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc.
PHƯƠNG NGHI - BÙI HIẾU