Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên (bên phải) trao hoa chúc mừng tân Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn ĐượcChiều 20/2, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề). Tại Kỳ họp này, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã bỏ phiếu bầu Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Được giữ chức Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thay ông Phan Văn Mãi đã nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội khóa XV.
Phát biểu nhận nhiệm vụ mới, tân Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, sẽ cùng tập thể UBND Thành phố triển khai giải pháp đột phá thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, trọng tâm là tăng trưởng GRDP 8,5% trong năm 2025 và chuẩn bị các điều kiện cho tăng trưởng đạt và vượt 10% trong những năm tiếp theo; giải ngân đầu tư công trên 95%, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước 620.000 tỷ đồng, thu ngân sách đạt trên 520.000 tỷ đồng.
Triển khai theo tiến độ, hiệu quả các đầu việc Trung ương giao như Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 21/01/2025 của Chính phủ về sắp xếp bộ máy, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp. Tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài trên địa bàn, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Văn Được đã đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh trong năm 2025. Đó là, triển khai các chương trình, giải pháp về quản lý và phát triển Thành phố, gắn với tinh gọn bộ máy như Nghị quyết số 98, Nghị quyết 131 về chính quyền đô thị; xây dựng 5 vùng đô thị theo quy hoạch gồm Thành phố trung tâm, TP. Thủ Đức và các khu Đông, Nam, Tây, Bắc.
Triển khai các chương trình, giải pháp về đô thị và phát triển hạ tầng gắn với liên kết vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; kết hợp phát triển các vùng đô thị và các mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) hay dự án cảng trung chuyển quốc tế gắn với không gian phát triển vịnh Gành Rái và khu thương mại tự do tại Cần Giờ.
Triển khai các chương trình, giải pháp về chuyển đổi mô hình kinh tế gắn với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Triển khai các chương trình, giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội, giải quyết tốt các vấn đề an sinh, xã hội, môi trường của một đô thị lớn.
Triển khai các chương trình, giải pháp để huy động nguồn lực trong giai đoạn 2026 - 2030 như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, thực hiện đề án TOD, khai thác hiệu quả tài sản công.
Triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội - củng cố quốc phòng, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế, hoạt động liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trước đó, theo Quyết định của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020 - 2025; điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Nguyễn Văn Được sinh năm 1968, tại tỉnh Long An. Năm 2016, ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Năm 2019, ông làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An. Năm 2020, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, ông được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tháng 1/2021, ông được bầu Ủy viên Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.