Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân tộc Thành phố Nguyễn Phúc Hải cho biết, trong năm 2022, công tác triển khai thực hiện công tác dân tộc, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn Thành phố bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nghiêm túc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản ổn định; công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội được triển khai hiệu quả, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 0,53% (tính đến cuối năm 2021). Thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, 100% xã vùng DTTS, miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (thuộc xã khu vực I). Công tác giáo dục luôn được quan tâm; giữ vững 100% các xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa phát động sôi nổi, rộng khắp, gắn liền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân nói chung, đồng bào vùng DTTS nói riêng.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo tại Hội nghị cho thấy, một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030. Việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản ở một số địa phương chưa thực sự sát sao trong kiểm tra, đôn đốc, nên một số dự án chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, có dự án việc lập quy hoạch không sát thực tế nên phải điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư. Các danh mục dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp các đơn vị, địa phương chậm lập, phê duyệt, đề xuất đề án, dự án với UBND Thành phố để có cơ sở cấp vốn thực hiện. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ở vùng DTTS còn khoảng cách xa so với thu nhập bình quân chung toàn Thành phố.
Trên cơ sở đó, trong năm 2023, Ban Dân tộc Thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 bảo đảm hiệu quả. Tổ chức Tổng kết 15 năm thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thành phố và Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn biểu dương những kết quả mà Ban Dân tộc Thành phố đạt được trong năm 2022 vừa qua. Trong đó có 5 điểm nhấn nổi bật, như: Công tác xây dựng thể chế chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; việc triển khai thực hiện chính sách bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả; thực hiện tốt chính sách đối với Người có uy tín; duy trì các hoạt động giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác dân tộc giữa Hà Nội với các tỉnh, thành cả nước; việc sơ kết, tổng kết công tác dân tộc được triển khai hiệu quả, bài bản...
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ông Lê Hồng Sơn nhất trí với 11 nhóm nhiệm vụ mà Ban Dân tộc Thành phố đề ra trong báo cáo. Trên cơ sở đó, ông Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Dân tộc và các đơn vị liên quan của Thành phố tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đặc biệt là tập trung đầu tư cho các dự án về giao thông nông thôn, miền núi, trong đó chú trọng đến quy hoạch cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa vùng nông thôn, miền núi.
“Cùng với đó, cần đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các vùng đồng bào DTTS, miền núi. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân nói chung, đồng bào vùng DTTS nói riêng. Khi văn hóa dân tộc được duy trì, thì chúng ta sẽ giúp thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm...”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Cho rằng nâng cao đời sống vật vất cũng như tinh thần cho đồng bào DTTS và miền núi rất quan trọng, Phó Chủ tịch Thường trực Thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Dân tộc cũng như các đơn vị liên quan quan tâm đầu tư hệ thống y tế cơ sở, chú trọng công tác giáo dục, đẩy mạnh thông tin truyền thông và chuyển đổi số để hỗ trợ đồng bào DTTS. Đối với các sở, ngành của Thành phố, ông Lê Hồng Sơn yêu cầu rà soát tiêu chuẩn đối với các xã miền núi để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm cho hiệu quả, kịp thời.
TP. Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.359 km2, có 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn Thành phố hiện nay là 8.053.663 người. Trên địa bàn Thành phố có gần 108.000 người DTTS, thuộc 50/53 thành phần DTTS, sinh sống đan xen ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn Thành phố, trong đó: Dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%, dân tộc Dao 4,32%; còn lại là các DTTS khác. Đồng bào các DTTS sống quần cư thành thôn ở 13 xã và 1 thôn Có 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức tập trung đông đồng bào DTTS nhất Thành phố, với trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS toàn Thành phố.
Trong năm 2022, công tác Dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, được thực hiện đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm, trong đó việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Hiện thu nhập bình quân đầu người các xã vùng DTTS và miền núi của Thành phố đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (thuộc khu vực I).