Tinh giản là bắt buộc
Câu chuyện tinh giản biên chế chưa bao giờ hết nóng, bởi việc này liên quan chặt chẽ đến mỗi cá nhân, tổ chức, đến sự phát triển chung của đất nước. Mặc dù được đánh giá là rất khó khăn, nhưng việc tinh giản biên chế bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo công bố của Bộ Nội vụ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, được tổ chức ngày 27/12/2019, từ năm 2015 đến ngày 20/12/2019, cả nước đã thực hiện tinh giản được 50.547 biên chế. So với năm 2015, hiện tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 253.517 biên chế (giảm 8,68%).
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế đã góp phần tiết kiệm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển. Chỉ tính trong năm 2019, chi ngân sách thường xuyên đã tiết kiệm được khoảng 10.000 tỷ đồng.
Năm 2020, theo Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán NSNN năm 2020, một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra là phải tinh giản 2% biên chế công chức; tinh giản 2,5% biên chế viên chức hưởng lương từ NSNN.
Mục tiêu này được Chính phủ đặt ra nhằm bảo đảm lộ trình tinh giản biên chế được nêu trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Nghị quyết 39-NQ/TW). Theo đó, đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2015.
Lo “hụt” nguồn cán bộ kế cận
Việc tinh giản biên chế là bắt buộc, nhưng ở nhiều nơi, tinh giản biên chế được thực hiện kiểu cào bằng, máy móc. Cụ thể, căn cứ vào tinh thần tinh giản biên chế, hàng năm, các bộ, ngành, địa phương đặt ra mục tiêu phải giản biên chế bao nhiêu phần trăm cho tất cả mọi lĩnh vực một cách máy móc, cơ học.
Việc tinh giản theo hướng “cào bằng” này là không đúng với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 39-NQ/TW. Bởi Nghị quyết 39-NQ/TW ngoài yêu cầu tinh giản biên chế còn có quy định cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Điều này có nghĩa là có đơn vị giảm biên chế nhiều, có đơn vị giảm ít, có đơn vị không giảm, thậm chí có đơn vị phải tăng biên chế, nhưng là biên chế làm việc, chứ không phải biên chế hưởng lương từ NSNN.
Một vấn đề mà các nhà quản lý phải đặc biệt lưu ý trong tinh giản biên chế, là bảo đảm được đội ngũ cán bộ kế thừa trong thời gian tới. Theo quy định của Nghị quyết 39/NQ-TW thì, chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã tinh giản biên chế.
Năm 2020, tổng biên chế công chức được phê duyệt là 253.517 người, giảm hơn 6.000 người so với năm 2019. Chiếu theo quy định nêu trên, số lượng công chức được tuyển dụng khoảng 3.000 người; tức là “ra 2 vào 1”. Nhưng nếu áp dụng cứng nhắc nguyên tắc này, theo đúng lộ trình (mỗi năm giảm khoảng 2% biên chế - Pv) thì trong vòng 10 - 15 năm tới sẽ “hụt” đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý.
Đây là vấn đề trong nhiều năm nữa; nhưng hiện tại, trong tinh giản biên chế đã xuất hiện lo ngại về sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ thực sự chất lượng để kế thừa. Với việc “ra 2 vào 1”, hiện nay nhiều địa phương, nhất là ở vùng DTTS và miền núi rất khó bố trí “ghế” cho người tài.
Những năm qua, Bộ Nội vụ cũng như một số bộ ngành, địa phương khác đã triển khai chính sách đưa trí thức trẻ về công tác tại vùng khó khăn. Đó là dự án 600 Phó Chủ tịch xã, dự án 500 công chức xã… Nhưng sau khi dự án kết thúc, rất nhiều trí thức trẻ không biết đi đâu về đâu, vì không được xét tuyển vào biên chế.
Đây là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần sớm nghiên cứu. Bởi tinh giản biên chế là điều bắt buộc phải làm, nhưng tinh giản như thế nào để vẫn bảo đảm đội ngũ cán bộ kế cận là việc không hề dễ dàng.