Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo chuyên đề về giáo dục phổ thông: tiệm cận dần theo chuẩn quốc tế; đổi mới thi và kiểm tra từ định hướng kiến thức sang định hướng phát triển năng lực; tự chủ đại học Việt Nam, các xu thế và các rào cản… Từ phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu nhấn mạnh những kết quả nổi bật của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là tính ứng dụng thực tiễn của học sinh, phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp tốt hơn…
Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới, cần học tập gắn với cuộc sống hơn nữa chứ không vì khoa cử; tạo cơ chế tự chủ cho các nhà trường trong việc vận dụng các tri thức của nhân loại để mang lại thành công; tạo hứng khởi cho học sinh trong học tập; lấy ý kiến tham vấn của chuyên gia; kiên định với đổi mới; đổi mới có trọng điểm, tránh bình quân chủ nghĩa; đổi mới thi cử mạnh mẽ hơn…
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Nhìn nhận về đổi mới giáo dục phải nhìn một cách thấu đáo, toàn diện, không nóng vội, không chậm. Có nhiều việc phải giải quyết ngay trước mắt, có nhiều việc cần thực hiện lâu dài. Để xây dựng được một chính sách giáo dục không thể không có nghiên cứu sống, không thể không lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong những năm gần đây đã có bước chuyển lớn về tư duy, phân tích; chuyển từ cách tiếp cận giáo dục nặng về nội dung sang tăng cường tiếp cận thực tế, ứng dụng, điều này đã có sự đầu tư, công sức trí tuệ của các nhà khoa học, của toàn dân. Cho đến nay, ngành Giáo dục đã phê duyệt 28 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về đổi mới giáo dục phủ khắp các lĩnh vực. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà giáo và toàn dân để xây dựng các chính sách giáo dục có tính dài hạn, khả thi.
HUYỀN HIỆP