Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ
Sinh năm 1940 từ vùng quê nghèo thuộc xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), thuở nhỏ TS. Trần Thanh Pôn (tên gọi theo tiếng Khmer Chan Pôn) theo học tiểu học ở Trại Nhi đồng-Thiếu sinh quân vùng chiến khu U Minh (Cà Mau). Năm 1954, Thanh Pôn tập kết ra Bắc và học ở Trường học sinh miền Nam tại Hà Đông (Hà Nội). Những năm tháng học tập ở đây, chàng trai Khmer đã vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần.
Nhớ lại những giờ phút lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, trên khuôn mặt ông hiện rõ niềm vui sướng tự hào. Hôm ấy, khi Bác tới thăm trường, học sinh xếp thành 3 hàng đón Bác, chàng trai Chan Pôn trong trang phục dân tộc Khmer được đứng ở hàng đầu tiên. “Bác đến bên cạnh vỗ vai tôi và hỏi: Cháu là người dân tộc Khmer phải không? Cháu gắng học tốt để sau này về phục vụ đồng bào nhé!”, ông kể.
Ghi nhớ lời Bác dặn, Thanh Pôn cố gắng học tập và thi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học, ông giảng dạy ở một số nơi trong đó có Đại học Sư phạm Việt Bắc. Năm 1970, Thanh Pôn làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô với đề tài về Giáo dục học dân tộc và trở về với học vị Tiến sĩ. Từ đó đến khi về nghỉ chế độ, ngoài làm công tác quản lý như: Trưởng phòng Giáo dục dân tộc của Văn phòng II (Bộ Giáo dục) tại TP. Hồ Chí Minh; Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục dân tộc (Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo phía Nam); Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc TP. Hồ Chí Minh… TS. Thanh Pôn còn công bố gần 100 công trình liên quan đến quản lý giáo dục; giáo dục DTTS mà tiêu biểu là dân tộc Khmer.
Điều làm ông trăn trở nhất là làm sao để giúp con em dân tộc mình có thể tiếp cận với kiến thức dễ dàng hơn khi sách vở, tài liệu đều là sách đơn ngữ, không có tiếng Khmer. TS. Thanh Pôn quyết định dành thời gian và công sức biên soạn bộ sách song ngữ Việt-Khmer đầu tiên cho các em. Thời gian đầu, ông mò mẫm dịch từ ngôn ngữ Khmer sang tiếng Việt, sau đó chọn ra những từ vựng thông dụng cho học sinh hệ phổ thông. Ông còn về các vùng quê người Khmer sinh sống, gặp gỡ nhiều giáo viên, nhà sư… để tìm hiểu thêm về các từ ngữ thông dụng, những từ gốc Khmer, những từ Việt-Khmer...
Đến tháng 10/1979, 4 bộ sách song ngữ dùng cho học sinh Khmer phổ thông do ông biên tập đã hoàn thành. Đây là bộ sách đầu tiên song ngữ Việt-Khmer và được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoan nghênh và khen thưởng. Để giúp học sinh Khmer hiểu thêm về văn hoá dân tộc mình, ông còn sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách ca dao, tục ngữ, hò vè, phong tục tập quán người Khmer. Nhờ những bộ sách ấy mà học sinh Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long học được tiếng Việt dễ dàng hơn và bạn đọc hiểu sâu thêm nền văn hoá dân gian Khmer Nam bộ….
Nhiều việc làm xuất phát từ tấm lòng
Là người dân tộc thiểu số, luôn nghiên cứu về giáo dục dân tộc, TS. Thanh Pôn có nhiều cơ hội đến với bà con DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Ông nhận thấy đồng bào các DTTS cuộc sống còn vất vả, khó khăn. Các em học sinh còn thiếu nhiều điều kiện học hành. Sau những chuyến đi thực tế, ông thường ghi chép cẩn thận những địa điểm và điều kiện ăn học của học sinh dân tộc. Trở về TP. Hồ Chí Minh, ông thường vận động các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể tài trợ, giúp đỡ. Chính những việc làm nghĩa tình đó mà nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa như Bảy Núi (An Giang), Thạnh Trị (Bạc Liêu)… đã có thêm nhiều phòng học mới, các em có thêm sách vở để học tập. Ngoài ra, ông cũng vận động xây được nhiều nhà đại đoàn kết tặng gia đình nghèo ở các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… TS. Thanh Pôn chia sẻ: “Thời của tôi, con em dân tộc ít được đi học, cán bộ là người dân tộc rất ít, tôi muốn con em mình đổi đời, đi lên nhờ con chữ”.
Không dừng lại ở những việc làm đó, ông còn trực tiếp tham gia giảng dạy, giúp đỡ học sinh, sinh viên người dân tộc Khmer ở các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Nhiều người được ông giúp đỡ đã trở thành những tấm gương ham học như: Thạc sĩ Danh Son, đang giảng dạy ở Trường Cao đẳng Kiên Giang; kiến trúc sư Danh Lum, công tác ở Hội Kiến trúc Khmer, bác sĩ Xa Rum, ở bệnh viện Kiên Giang, dược sĩ Lý Tài ở Sóc Trăng… Ngoài ra, TS. Thanh Pôn còn đứng ra thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển dân tộc và nhân học Việt Nam-một địa chỉ kết nối lực lượng trí thức người dân tộc với những người tâm huyết có tấm lòng từ thiện, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, quyên góp hiện vật để giúp đỡ đồng bào DTTS nghèo ở vùng sâu, vùng xa…
Tuy đã ở tuổi xế chiều, độ tuổi đáng ra được nghỉ ngơi an nhàn với tuổi già nhưng TS. Thanh Pôn vẫn tâm huyết với con em đồng bào DTTS. Ông còn tâm nguyện muốn xây dựng thêm nhiều phòng học, lớp học miễn phí cho học sinh dân tộc Khmer. Công việc âm thầm, lặng lẽ ấy đã mang lại kết quả không nhỏ cho sự phát triển của ngành Giáo dục dân tộc nói chung và của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Với ông, những công việc đó là làm theo lời dạy của Bác cách đây hơn nửa thế kỷ.
BẰNG GIANG