Ủy ban châu Âu (EC) ngày 26/4 cho biết chuẩn bị tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) đã thoát khỏi giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19 và bước vào một giai đoạn mới, trong đó việc sàng lọc phải được ưu tiên và giám sát lây nhiễm tương tự như quy trình thực hành đối với bệnh cúm.
Theo dự thảo của EC dự kiến được công bố và thông qua ngày 27/4, cột mốc này đạt được sau khi tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do đại dịch ở EU giảm dần do sự lây lan của biến thể Omicron, ít độc lực hơn biến thể trước đó và nhờ khả năng miễn dịch của hơn 70% dân số châu Âu, trong đó một nửa đã được tiêm mũi tăng cường. Brussels ưu tiên một cách tiếp cận "tránh tình trạng khẩn cấp, hướng tới một phương thức quản lý đại dịch khả thi hơn".
Theo EC, cần có một cách tiếp cận mới để giám sát đại dịch và sàng lọc có hệ thống những người có triệu chứng của bệnh và những người mà họ đã tiếp xúc - một biện pháp mà một số quốc gia trong khối đã từ bỏ. Dự thảo của EC cũng nhấn mạnh, vaccine vẫn cần thiết trong cuộc chiến chống lại COVID-19, khuyến nghị các nước EU xem xét các chiến lược để tăng cường tiêm chủng cho trẻ em trước năm học tới.
Cũng trong ngày 26/4, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 và khẳng định đại dịch gần như đã biến mất ở quốc gia này. Ông cho biết số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Mexico ngày càng giảm, do đó mặc dù vẫn tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến đại dịch song Mexico sẽ chuyển sang tập trung vào tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.
Về phần mình, Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell cho biết Mexico đã trải qua 4 đỉnh dịch và trong 3 tháng qua dịch bệnh đã thuyên giảm mà không xuất hiện thêm biến thể nào của virus SARS-CoV-2. Ông Lopez-Gatell cũng tuyên bố từ ngày 28/4 tới, người dân sẽ bắt đầu đăng kí tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi. Mexico đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine cho 85,8 triệu người, tương đương tỷ lệ bao phủ 87% ở nhóm dân số từ 14 tuổi trở lên.
Theo trang web thống kê worldometers.info, đến sáng 27/4, thế giới có tổng số 510.611.749 ca nhiễm và 6.248.202 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua, thế giới có thêm 591.044 ca nhiễm và 2.562 ca tử vong mới. Với 135.699 ca nhiễm mới, Đức là quốc gia ghi nhận thêm số ca nhiễm mới nhiều nhất, trong khi Anh với 451 ca mới tử vong là quốc gia có thêm nhiều ca tử vong do COVID-19 nhất trên thế giới trong ngày qua.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 27/4, đã có 463.968.171 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 40.395.376 ca bệnh đang điều trị, có 40.353.041 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 42.335 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 227 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Số liệu mới cập nhật trên trang web thống kê worldometers.info cho thấy trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 331.522 ca nhiễm và 1.586 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 189.851.616 ca nhiễm mới và 1.812.844 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Đức, Pháp và Italy có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất châu Âu khi có thêm lần lượt 135.699; 97.498 và 29.575 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Anh, Đức và Nga là ba nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 nhiều nhất khu vực trong ngày qua với lần lượt 451; 307 và 176 ca.
Với 147.267.769 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 27/4, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong một ngày qua, châu lục ghi nhận thêm 152.715 ca nhiễm mới và 566 ca đã tử vong do COVID-19. Hàn Quốc vẫn là quốc gia có số ca nhiễm mới nhiều nhất châu Á 24 giờ qua với 80.301 ca; trong khi Ấn Độ là quốc gia có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày nhiều nhất châu Á với 151 ca.
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 97.952.352 ca, trong đó có 1.457.134 ca tử vong và 93.980.215 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 24.812 ca nhiễm và 157 ca tử vong mới do COVID-19, Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất khu vực.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 23.791 ca nhiễm và 103 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 56.716.224 ca và 1.293.475 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất khu vực khi có thêm 22.142 ca nhiễm mới và 89 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 27/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 11.877.244 ca, trong đó có 253.773 ca tử vong và 11.087.856 ca bình phục. 24 giờ qua, Nam Phi có số ca nhiễm nhiều nhất với 5.062 ca nhiễm; trong khi Tunisia có số ca mới tử vong vì COVID-19 nhiều nhất khu vực với 17 ca.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 6.945.823 ca nhiễm (tăng 43.537 ca) và 10.377 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 56 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 43.537 ca nhiễm và 50 ca tử vong mới do COVID-19 trong 24 giờ qua./.