Từ năm 2014, cây na bắt đầu phát triển mạnh trên địa bàn huyện Mai Sơn và được khẳng định, là loại cây ăn quả thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Sản phẩm na Mai Sơn được người dùng trong nước ưa chuộng; đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình trồng na có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với những giá trị mang lại, tháng 8/2018, na Mai Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Na Mai Sơn”. Từ đây, thương hiệu “Na Mai Sơn” đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mở ra cơ hội hợp tác và liên kết kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm.
Anh Nguyễn Bá Tuyết tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi cho biết, năm 2018, gia đình anh thu được hơn 500 triệu đồng từ trồng na. Từ tháng 5/2018 gia đình anh tham gia vào hợp tác xã (HTX) na Mé Lếch, nhờ đó sản phẩm tiêu thụ dễ dàng hơn.
“Từ khi tham gia HTX, điều rõ nhất là thu nhập cao hơn và khẳng định được thương hiệu của mình. Để đạt được kết quả đó, phần lớn nhờ có chính quyền luôn sát sao hướng dẫn kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt)”, anh Tuyết chia sẻ.
Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn cho biết: Hiện, Mai Sơn có 3.985ha cây ăn quả các loại đã cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 18.000 tấn quả/năm. Huyện đã được cấp chứng nhận 2 mã vùng cho sản phẩm xoài và nhãn tại HTX Ngọc Lan và HTX Nhãn chín muộn, với 28,7ha. Riêng na có 140ha, trong đó 129ha đã cho thu hoạch, tập trung ở các xã: Cò Nòi, thị trấn Hát Lót, Mường Bon và Nà Bó, sản lượng khoảng 1.416 tấn quả/vụ.
Về đầu ra cho nông sản, ông Thắng cho biết thêm: Việc thành lập HTX bảo đảm cho nông dân trong các khâu cung ứng vật tư, phân bón, giống, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, chỉ khi thành lập HTX thì tỉnh mới có căn cứ hỗ trợ cấp chứng nhận thực phẩm an toàn, chứng nhận VietGAP và tiến tới GlobalGAP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, ông Hà Văn Bình cho biết, việc trồng và phát triển vùng cây ăn quả đã tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn khoảng 20%.