Mặc dù chưa được luật pháp cho phép sử dụng ở nước ta, nhưng các loại thuốc lá thế hệ mới vẫn xuất hiện trên thị trường. Tuy loại thuốc lá này chứa nhiều độc tố ảnh hưởng sức khỏe, nhưng lại được giới trẻ ưa thích sử dụng và đang có chiều hướng gia tăng.
Hiện nay trên thị trường đã đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng/nung nóng (HTPs). Cả hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào.
Một số thuốc lá điện tử hay còn gọi là vape có hình dáng giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu, một số khác trông giống như cây bút, USB hoặc có thiết kế hoàn toàn khác nhau. Thuốc lá điện tử có loại dùng một lần và loại có thể “sạc” lại. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch – loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Dung dịch này thường chứa nicotin, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.
Thực tế, ngành công nghiệp thuốc lá đã lên một kế hoạch trên phạm vi toàn cầu với chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như: Thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ,… Cùng với đó, ngành công nghiệp thuốc lá tiến hành giới thiệu sản phẩm và dùng thử ở các cửa hàng bán lẻ; sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng/có ảnh hưởng quảng cáo thuốc lá; tận dụng độ tuổi trẻ của những người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng như Facebook, Instagram, Tiktok,..., đồng thời, bán thuốc lá qua các trang thương mại điện tử.
Các hoạt động mà các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia tiếp cận giới trẻ bằng cách thông qua việc quảng bá gây nhầm lẫn cho người sử dụng rằng các sản phẩm thuốc lá mới là sản phẩm ít hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường và là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá thông thường.
Tuy nhiên, theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotin - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ… Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn gây tổn thương phổi cấp. Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định hiện không có bằng chứng quốc tế chứng minh thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm (Cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho hay, nếu như trước kia, người sử dụng thuốc lá truyền thống còn e dè, tránh cho người thân không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khói thuốc thụ động thì ngày nay, do tin vào lời quảng cáo rằng thuốc lá thế hệ mới không nguy hại, họ vô tư hút trong phòng kín, mà không lo ảnh hưởng đến người xung quanh.
Theo phân tích của ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, thuốc lá điện tử với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.
Thêm vào đó, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Theo đó, do nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.
Mới đây nhất, một nam thanh niên 22 tuổi, hút thuốc lá điện tử, sau đó rối loạn tâm thần, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp. Xét nghiệm tinh chất mà bệnh nhân này sử dụng trong thuốc lá điện tử, các bác sĩ phát hiện thành phần có chứa 5-fluoro-adbica - một dạng ma túy tổng hợp thế hệ mới. Sau khi được cấp cứu ổn định sức khỏe tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân chuyển sang Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia điều trị tiếp tục.
Một học sinh cấp 3 cũng mất kiểm soát, kích thích vật vã, loạn thần, xuất hiện ảo giác sau khi hút thuốc lá điện tử do bạn mời. Bác sĩ xét nghiệm mẫu thuốc lá bệnh nhân đã sử dụng, kết quả không thể xác định được thành phần chứa loại ma túy cụ thể nào.
Đây là hai trong nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, loạn thần điển hình sau khi hút thuốc lá điện tử có trộn lẫn cần sa, ma túy tổng hợp, được bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị trong thời gian gần đây. Tất cả bệnh nhân này đều sử dụng ma túy làm vật liệu thay thế các loại tinh chất đốt thông thường trong thuốc lá điện tử.
Bác sĩ Nguyên cho biết ngộ độc chất ma túy trong thuốc lá điện tử là hiện tượng mới xuất hiện, bệnh viện bắt đầu ghi nhận từ năm 2019 đến nay. Người sử dụng loại thuốc lá này hầu hết trẻ, độ tuổi khoảng 20. Các bệnh nhân này khi nhập viện đều có đặc điểm chung là bị sốc, co giật, từ đó ảnh hưởng nặng nề tới hệ thần kinh, tâm thần, tim mạch. Đây là hiểm họa mới, thách thức xã hội và để lại hậu quả khôn lường cho người sử dụng.
Đặc biệt, theo bác sĩ Nguyên, hàng trăm chất cần sa, ma túy tổng hợp được tạo mới, song năng lực xét nghiệm chẩn đoán y tế lại luôn đi sau. Tại các phòng xét nghiệm lớn của TP Hà Nội, năng lực xét nghiệm cũng chỉ xác định được khoảng 180 chất trong thành phần gây độc. Đó là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp sau khi nhập viện, dù có những triệu chứng điển hình của ngộ độc ma túy nhưng kết quả xét nghiệm không thể xác định được đó là loại chất gì. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị.
Liên quan đến thuốc lá điện tử, Trung tâm Giám định ma túy (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) cũng vừa phát hiện chất ma túy mới với công thức phức tạp, chưa có trong danh mục ma túy ở nước ta, được hòa tan một cách tinh vi vào những gói thuốc lào, hộp thuốc lá điện tử.
Phát hiện này được Trung tâm Giám định ma túy ghi nhận sau khi một số trường học tại Hà Nội gửi mẫu về Trung tâm đề nghị phân tích các mẫu nghi ma túy thu được của học sinh, sinh viên. Theo như mô tả ban đầu của nhà trường, thì học sinh, sinh viên sau khi sử dụng các mẫu chất này có những biểu hiện bất thường như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, thậm chí có em đã bị ngất.
PGS.TS Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy cho biết, mẫu vật được gửi về là tinh dầu dùng trong thuốc lá điện tử có chứa chất 5F-MDMB-PICA. Các đối tượng đã hòa tan chất hướng thần này vào các vỏ chai, lọ đựng dung dịch thuốc lá điện tử mà vẫn giữ nguyên, màu sắc, mùi vị. Đây là một thủ đoạn tinh vi mà đến lực lượng chức năng ở các địa phương cũng khó phát hiện.
Theo TS. Trường, chất hướng thần 5F-MDMB-PICA trước đây chỉ có trong cỏ Mỹ, nhưng đến nay các đối tượng đã sử dụng những loại vật mang mới như: tinh dầu thuốc lá điện tử, thuốc lào. 5F-MDMB-PICA là một trong những loại ma túy tổng hợp kích thích thần kinh trung ương gây ảo giác mạnh về không gian và thời gian. Khi sử dụng lâu dài, 5F-MDMB-PICA khiến cấu trúc của thần kinh bị tổn thương và dẫn đến bị tâm thần phân liệt. Các loại ma túy thế hệ mới còn có thể dẫn tới ngộ độc và tử vong nhanh chóng.
Trước những nguy hại của các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế cho biết sẽ xây dựng hệ thống văn bản để trình lên Chính phủ và Quốc hội trong việc cấm sử dụng thuốc lá thế hệ mới trên lãnh thổ Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe cho người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thiết nghĩ, trước các nguy cơ từ thuốc lá điện tử thì người tiêu dùng cần có cách nhìn đầy đủ, chính xác về loại sản phẩm này. Để bảo vệ sức khỏe của người dân, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý cụ thế những cá nhân, tổ chức buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử để giới trẻ nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng./.
Theo thông tin từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), trên thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha) đang gia tăng trong giới trẻ. Ở Mỹ trong vòng 2 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27% năm 2019; 2/3 số người hút thuốc lá điện tử là thanh thiếu niên.
Nghiên cứu tại 13 quốc gia Đông Âu cho thấy: 2,6% thanh thiếu niên không hút thuốc lá đã từng thử hút thuốc lá điện tử ít nhất ba lần.
Tại Việt Nam, theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019”, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở học sinh thành thị là 3,4%. Tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn hơn và thuốc lá điện tử sẵn có hơn, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (TLĐT) ở học sinh hiện rất đáng quan ngại.
Theo Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng TLĐT ở học sinh lớp 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Những con số này cho thấy tỷ lệ giới trẻ hút TLĐT có xu hướng ngày càng gia tăng.