Tham dự phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe dự thảo, tờ trình và cho ý kiến đối với hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030; đề nghị xây dựng Luật Công chứng, Luật Khoáng sản sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bộ Y tế cũng đã có báo cáo về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm giải quyết các vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế và phát triển công nghiệp dược và dự thảo Báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết 30 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến cụ thể với từng nội dung trên. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan đã khẩn trương chuẩn bị, trình các hồ sơ, báo cáo và đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động, ý kiến nhân dân, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, tôn trọng các ý kiến khác nhau, kể cả các ý kiến phản biện để có đầy đủ thông tin, cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu nhất, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, bảo đảm tiến độ, phù hợp tình hình thực tiễn, tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và thực thi có hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành chỉ đạo các cấp hoàn thành đúng tiến độ theo quy định, cần bám sát và tháo gỡ các vướng mắc thực tế, cập nhật những vấn đề phát sinh; cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng nhấn mạnh cơ quan soạn thảo cần bám sát chương trình của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ, tốt hơn, hiệu quả hơn nữa với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các uỷ ban của Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án luật.
Lần đầu tiên xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia
Đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá: việc xây dựng, trình Hồ sơ quy hoạch phù hợp với các quy định của pháp luật; thống nhất với nội dung chính của dự thảo Quy hoạch. Các đại biểu đề xuất, kiến nghị một số nội dung cụ thể vào Quy hoạch để đảm bảo tính toàn diện, tổng thể, liên thông, bền vững.
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là lần đầu tiên xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch đã bám sát, bảo đảm thống nhất quy định có liên quan; các định hướng lớn của Quy hoạch đã bám sát và thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển, định hướng phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tướng cho rằng, nội dung của báo cáo Quy hoạch về cơ bản đã xem xét đến tính hợp lý, logic giữa các hợp phần; các vấn đề có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng đã được tích hợp và được xử lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định của các luật.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ý kiến tham gia của thành viên Chính phủ và đúng theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng lưu ý phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực trong quản lý quy hoạch; thể hiện Quy hoạch đảm bảo dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ đánh giá; sớm trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.