Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Thống nhất chuyển trạng thái để phòng chống dịch hiệu quả và phát triển KT-XH

PV - 17:20, 25/09/2021

Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời để khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể, quyết định việc chuyển trạng thái, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển KT-XH. Tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phụ trách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn trong cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn trong cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn.

Kiên Giang chấn chỉnh các bất cập theo chỉ đạo của Thủ tướng

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết sau khi Thủ tướng phê bình, chấn chỉnh, trong 12 ngày qua, tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế và quán triệt, thực hiện nghiêm 5 nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tỉnh thực hiện thần tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng, tập trung ở các xã, phường, thị trấn có mức nguy cơ cao và rất cao trên địa bàn 5 huyện, thành phố trong 5 ngày với 3 đợt. Trên cơ sở kết quả tầm soát xét nghiệm diện rộng, tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình, thực hiện đánh giá lại mức độ nguy cơ và quyết định chuyển trạng thái theo từng vùng kể từ ngày 20/9/2021.

Biểu đồ dịch của tỉnh trong 14 ngày qua theo hướng đi xuống dần, nhất là số ca phát hiện trong cộng đồng giảm mạnh. Trong 7 ngày gần nhất (từ ngày 17/9 đến ngày 23/9/2021) phát sinh 1.055 ca mắc mới, trong đó 127 ca trong cộng đồng, giảm 202 ca so với tuần trước. Đến ngày 23/9, số ca mắc mới trên toàn tỉnh trở lại 2 con số (93 ca, trong cộng đồng 3 ca) - thấp nhất trong 1 tháng 4 ngày qua.

Đối với Phú Quốc, ngay sau khi phát hiện ca dương tính qua xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại phường An Thới (vào chiều tối ngày 20/9), tỉnh đã tập trung lực lượng khẩn trương truy vết, khoanh vùng và tầm soát, xét nghiệm, phát hiện 109 ca dương tính. “Ngay trong sáng 25/9, Phú Quốc đang dốc toàn lực, triển khai tầm soát cho 100% hộ dân trên toàn đảo (hơn 27.000 hộ), quyết tâm kiểm soát dịch chậm nhất trước ngày 30/9”, ông Bình cho biết.

Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là phải từng bước chuyển hóa các vùng nguy cơ cao, rất cao còn lại; để sau ngày 25/9/2021 chuyển trạng thái sang áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg; quyết tâm trở lại bình thường mới trước ngày 30/9/2021.

Thủ tướng chỉ đạo, Hà Nam kịp thời điều chỉnh việc giãn cách

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định tầm quan trọng của việc xét nghiệm tầm soát tại các khu vực nguy cơ cao, nhờ đó vừa qua Hà Nam đã phát hiện 99 ca mắc. Khi có dịch thì xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch là yếu tố quyết định. Tỉnh đã xét nghiệm 407 nghìn mẫu, đã trả kết quả 391 nghìn mẫu. “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, sau vài tiếng, các tỉnh, thành phố xung quanh và Bộ Quốc phòng đã cử lực lượng hỗ trợ Hà Nam. Tổng lực lượng huy động khoảng 10 nghìn người”, ông Huy cho biết.

Đặc biệt, ông Huy nhấn mạnh kinh nghiệm về khoanh vùng hẹp nhất có thể, xét nghiệm thần tốc diện rộng, phát hiện, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị phù hợp, kịp thời. Ban đầu, tỉnh dự kiến giãn cách xã hội toàn bộ thành phố Phủ Lý theo Chỉ thị 16 với khoảng 180.000 dân, nhưng khi báo cáo, thì Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xem lại. Bởi việc cách ly diện rộng như vậy, tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Sau đó, lãnh đạo tỉnh đã họp khẩn ngay trong đêm và cuối cùng đưa ra quyết định chỉ giãn cách một số điểm. Ví dụ, có phường 12 nghìn dân nhưng chỉ phong tỏa 1 ngõ có 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Việc này giúp tỉnh không mất quá nhiều nguồn lực cho việc cung cấp nhu yếu phẩm để tập trung nguồn lực cho các việc khác như xét nghiệm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thủ tướng ghi nhận Hà Nam đã thực hiện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Quốc gia. “Chỉ còn 1 tiếng nữa là tỉnh thực hiện giãn cách xã hội tại Phủ Lý, 11 giờ đêm, tôi gọi điện cho lãnh đạo tỉnh. Phủ Lý có gần 200 nghìn dân, cùng với hơn 250 nghìn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500 nghìn người trong 2 tuần không? Tỉnh đã điều chỉnh rất kịp thời và hai ngày qua êm ả. Thay vì phải giãn cách 500 nghìn người thì chỉ giãn cách vài trăm người”, Thủ tướng phân tích. Ông đề nghị các địa phương trước khi thực hiện các biện pháp mạnh thì phải nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của Trung ương, tính toán, suy nghĩ rất kỹ và báo cáo cấp trên trực tiếp.

Tương tự, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tỉnh Kiên Giang phải xét nghiệm tầm soát tại Phú Quốc vì đây là địa bàn nguy cơ cao. Khi phát hiện ca bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình phải ra chỉ đạo ngay, khoanh vùng hẹp nhất có thể, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy, cả thành phố Phú Quốc vẫn hoạt động bình thường.

“Chủ trương đã đúng, đề nghị chúng ta kiên định thực hiện, những bài học này chúng ta đã trả giá, đã có kinh nghiệm. Hôm nay chúng ta họp đến tận xã phường để nắm vấn đề này. Đây là gợi mở hết sức quan trọng từ thực tiễn để nới lỏng giãn cách, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, thay vì khoanh vùng rộng rồi lai rai kéo dài mà không dập được dịch”, Thủ tướng nói.

Một điểm được Thủ tướng lưu ý nhắc nhở: Ca bệnh đầu tiên phát hiện ở Hà Nam những ngày qua là người đã cách ly 14 ngày. Lý do là biến chủng Delta có đặc điểm sinh học rất khác biệt so với các biến chủng trước đó, lây nhanh, kéo dài (18 ngày thay vì 13 ngày như chủng trước), nồng độ virus đậm đặc, tải lượng virus cao hơn 1.000 lần so với chủng cũ, người mắc bệnh ít có triệu chứng nhưng chuyển bệnh nhanh. Do đó, với chủng cũ, chúng ta áp dụng cách ly 14 ngày, nhưng với chủng mới, phải cách ly ít nhất 19 ngày.

Thủ tướng lưu ý về công tác xét nghiệm: “Tất cả các giác quan của chúng ta, mắt nhìn, mũi ngửi, lưỡi nếm, tai nghe, tay sờ đều không phát hiện được virus, khám lâm sàng cũng không phát hiện được sớm. Vậy thì cách duy nhất để tìm ra virus là xét nghiệm thôi, nhưng xét nghiệm sao cho khoa học, tiết kiệm, hiệu quả”. Ông nêu rõ: Xét nghiệm diện rộng không nhất thiết là xét nghiệm đại trà, xét nghiệm toàn bộ người dân. Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể, cần đẩy mạnh truyền thông về điều này để người dân hiểu rõ.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh theo 7 tiêu chí của Bộ Y tế. Ông nhắc tới một số kinh nghiệm của Đà Nẵng như vẫn coi xét nghiệm là biện pháp pháp căn cơ. Có thể phong tỏa rộng tạm thời nhưng phải thần tốc test nhanh, sau đó tùy tình hình dịch tễ để quyết định phong tỏa hẹp đến từng hộ dân, từng cụm dân cư. Đặc biệt, ông Quảng nhận xét biện pháp giãn dân là có hiệu quả nhất để ngăn chặn lây nhiễm.

Thủ tướng biểu dương Đà Nẵng thời gian qua đã chủ động, tích cực, là điểm sáng trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Thành phố là địa bàn có nguy cơ rất cao do là trung tâm giao thương, vì thế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải luôn cảnh giác cao.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ: Sau gần 2 năm chống dịch, chúng ta đã hiểu hơn về virus, có nhiều kinh nghiệm hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ: Sau gần 2 năm chống dịch, chúng ta đã hiểu hơn về virus, có nhiều kinh nghiệm hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ: Sau gần 2 năm chống dịch, chúng ta đã hiểu hơn về virus, có nhiều kinh nghiệm hơn. Các ý kiến tại cuộc họp cơ bản đồng tình với các báo cáo, đặc biệt là dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19, bổ sung một số ý kiến từ kinh nghiệm thực tiễn.

Qua cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Các ý kiến cũng thống nhất đánh giá, nhìn chung, trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là những địa bàn thực hiện tăng cường giãn cách. Các số liệu về ca mắc mới, số ca điều trị khỏi khẳng định kết quả phòng chống dịch; số tử vong đang từng bước được kiểm soát, nhất là tại những điểm nóng đang có chiều hướng giảm dần từng ngày, từng tuần. Vừa qua có xuất hiện một số ổ dịch mới, nhưng do đã có kinh nghiệm và với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, tổ chức thực hiện tốt nên chúng ta kiểm soát được ngay.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực cố gắng hết mình của các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các địa phương vùng ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam Bộ…, các lực lượng tuyến đầu, các bộ ngành, các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt, các tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng, cá nhân tình nguyện, cùng sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt kết quả nhất định trong phòng chống dịch. Thủ tướng đồng thời cảm ơn sự ủng hộ, vào cuộc rất tích cực, nhanh chóng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải quyết các đề xuất của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội và chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương vẫn là khâu còn yếu, chưa đồng đều. Nhiều địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả, nhưng có địa phương lúng túng, chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao. Một số địa phương chưa quán triệt tinh thần chỉ đạo trong các công điện, quy định, hướng dẫn của Trung ương, nên hiệu quả có lúc có nơi chưa cao, ví dụ tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch. Công tác an sinh xã hội nhiều nơi làm tốt nhưng nhiều nơi làm chưa tốt; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần chủ trì tăng cường giám sát, kiểm tra công tác này. Việc chuẩn bị “4 tại chỗ” cần cố gắng hơn nữa.

Thủ tướng đúc rút một số bài học kinh nghiệm được các đại biểu nhấn mạnh tại cuộc họp.

Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình. Đồng thời, hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất; các nguyên tắc cơ bản, các biện pháp chống dịch đã được đúc rút, thực hiện có hiệu quả thì phải kiên trì thực hiện nhất quán. Đồng thời, tổ chức thực hiện linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, từng cấp, từng đối tượng, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, giữa tổng thể và cụ thể, giữa bao quát và đặc thù.

Thứ ba, phải xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các tỉnh Hà Nam, Kiên Giang, TP. Đà Nẵng vừa qua đã phát hiện ra ca mắc nhờ xét nghiệm tầm soát, từ đó khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể, tới từng hộ gia đình, từng thôn, ấp, khu dân cư, xét nghiệm thần tốc diện rộng theo địa bàn, đối tượng nguy cơ. Tinh thần là phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhiều mất mát khác, nhất là về tinh thần, sức khỏe, tính mạng người dân.

Thứ tư, việc phân cấp tổ chức thực hiện xuống tận cơ sở, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân, tích cực tham thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tất cả các địa phương phải thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất

Về tình hình, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời. Việc chống dịch là chưa có tiền lệ, sau khi ban hành hướng dẫn tạm thời, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nội dung nào không phù hợp thì sửa đổi. Căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả.

Những nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng lưu ý, các quy định, hướng dẫn, tiêu chí của Trung ương không thể phủ kín được thực tiễn, do đó, các địa phương phải đánh giá tình hình thực tế trên cơ sở các nguyên lý chung, phát huy tính năng động, sáng tạo và dựa vào kinh nghiệm có được trong thời gian qua.

Tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và về huy động y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch, trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Về xuất nhập cảnh, Tiêu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận “hộ chiếu vaccine” có tính chất đối đẳng.

Bộ Giao thông vận tải kiểm tra việc quản lý, kiểm soát hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa; các địa phương phải hết sức linh hoạt, không ban hành “giấy phép con” cản trở lưu thông hàng hóa.

“Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch. Lập rào cản mà người dân không có ý thức thì các đồng chí có thể gác 24/24 giờ không, có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không? Thế nên phải tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, để người dân hiểu rằng dịch bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh nhưng phòng dịch hơn chống dịch, phòng dịch tốt thì tránh được lây nhiễm, nếu thực hiện các biện pháp y tế tốt, bảo đảm y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì vẫn tránh được tử vong, giảm được tử vong”, Thủ tướng chia sẻ với các địa phương.

Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; bảo đảm an sinh, ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; ý thức người dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa, coi việc thích ứng với dịch COVID-19 là động lực để phấn đấu vươn lên và thay đổi, thúc đẩy một số công việc mà lâu nay chúng ta đã làm song gặp khó khăn như chuyển đổi số, nâng cao năng lực cấp cơ sở…

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương đề xuất việc khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời đẩy mạnh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, không để sai phạm nhỏ thành vi phạm lớn.

Thủ tướng giao Bộ Y tế - Tiểu ban Y tế xây dựng kế hoạch chủ động về vaccine, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế cho năm 2022, trên cơ sở đó bố trí ngân sách phù hợp, tiết kiệm.

Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là những địa bàn thực hiện tăng cường giãn cách. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là những địa bàn thực hiện tăng cường giãn cách. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ trưởng đã nỗ lực cao nhất trong triển khai chiến lược vaccine trong bối cảnh vaccine vẫn khan hiếm trên toàn cầu. Thủ tướng nhắc lại và nhấn mạnh quan điểm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, không phân biệt các loại vaccine; sử dụng vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học, tập trung cho đối tượng ưu tiên, địa bàn ưu tiên; dứt khoát chống tiêu cực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức cho học sinh đi học an toàn, những nơi đã an toàn thì cho học sinh học hành bình thường. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương tập hợp các nguồn tài trợ trong chương trình “Sóng và máy tính cho em” để bàn giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất các ứng dụng phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân và có giải pháp cả cho những người không có điện thoại thông minh.

Về các đề xuất của địa phương, Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, xử lý, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của của nhân dân.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh được xây dựng trên cơ sở thực tiễn chống dịch gần 2 năm qua, kinh nghiệm của các địa phương, tham khảo kinh nghiệm thế giới, các hướng dẫn của WHO, các ý kiến chuyên gia. Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ đã có nhiều cuộc làm việc lấy ý kiến về dự thảo này.

Báo cáo về ứng dụng PC-COVID, ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, thống nhất tất cả các ứng dụng hiện có theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng để ứng dụng này hoạt động hiệu quả thì dữ liệu là rất quan trọng. Do đó, ứng dụng sẽ kết nối liên thông dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm, dữ liệu bảo hiểm xã hội, xác thực thông tin về người dân qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Sắp tới, có thể có tới hàng triệu giao dịch xác thực mỗi ngày qua ứng dụng này, do đó cần bảo đảm thực hiện trơn chu.

Ứng dụng này cũng có thể tích hợp các ứng dụng khác trong tương lai. Ví dụ, các địa phương có thể xây dựng các modul đặc thù riêng với từng địa phương, được tích hợp vào PC-COVID, người dùng khi tới địa phương đó thì chức năng đặc thù sẽ tự động xuất hiện.

Ý kiến độc giả
Mã bảo mật
Tin trong ngày - 22/3/2023

Tin trong ngày - 22/3/2023

Media - BDT - 20:19, 22/03/2023
Kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản Tin trong ngày của Báo Dân tộc và Phát triển. Bản tin hôm nay có những thông tin chính sau: Họp Tổ Soạn thảo xây dựng Quyết định của TTg về Người có uy tín; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần đảo đảm người có đất bị thu hồi có điều kiện sống tốt hơn; Lai Châu tạm giữ 12 đối tượng về hành vi đánh bạc; cùng các tin tức thời sự khác.
Chợ nổi Cái Răng trước nguy cơ bị

Chợ nổi Cái Răng trước nguy cơ bị "chìm"

Du lịch - S.Vy - H.Diễm - 20:11, 22/03/2023
Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tồn tại hơn 100 năm qua. Đây cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Cần Thơ. Tuy nhiên, chợ nổi Cái Răng đã không còn sức hấp dẫn du khách.
Giữ hạng sao cho sản phẩm OCOP: Nguy cơ “chết yểu

Giữ hạng sao cho sản phẩm OCOP: Nguy cơ “chết yểu" (Bài 1)

Kinh tế - Thúy Hồng - 20:00, 22/03/2023
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, theo thời gian, việc xây dựng sản phẩm OCOP cũng đã dần bộc lộ những yếu điểm, một số địa phương xây dựng theo kiểu phong trào, nhiều sản phẩm dù được công nhận nhưng vẫn chưa tới được đến tay người tiêu dùng, hoặc bị tụt hạng do chưa thật sự chất lượng...
Hội chứng Down - Những điều cần biết

Hội chứng Down - Những điều cần biết

Sức khỏe - B. Ngân - 19:49, 22/03/2023
Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo ra tiếng nói toàn cầu để vận động cho quyền lợi, sự hòa nhập và phúc lợi cho những bệnh nhân mang hội chứng Down, ngày 21/3 hằng năm được chọn là Ngày Hội chứng Down thế giới. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1.400 - 1.800 trẻ mắc hội chứng Down.
Cậu bé 3 tuổi đi phượt cùng mẹ

Cậu bé 3 tuổi đi phượt cùng mẹ

Du lịch - Trương Vui - 19:47, 22/03/2023
Dù mới chỉ 3 tuổi, cậu bé Giàng (dân tộc Dao) đã cùng mẹ thực hiện những chuyến đi phượt ở hầu khắp các cung đường Việt Nam. Để thực hiện ý tưởng táo bạo đó, với chị Cảnh (mẹ của Giàng), vấn đề sức khỏe của con luôn cần được bảo đảm và quan trọng hàng đầu.
Tin trong ngày - 21/3/2023

Tin trong ngày - 21/3/2023

Kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản Tin trong ngày của Báo Dân tộc và Phát triển. Bản tin hôm nay có những thông tin chính sau: Đoàn Thanh niên cần đối mới mạnh mẽ phương thức hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số; Cần Thơ xuất khẩu 18 tấn sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc; Hải quan Hải Phòng bắt giữ 7 tấn ngà voi nhập lậu; cùng các tin tức thời sự khác.
Miền Tây xứ Nghệ - Những chuyện buồn hôn nhân: Cơ hội tuổi trẻ bị đánh cắp (Bài 2)

Miền Tây xứ Nghệ - Những chuyện buồn hôn nhân: Cơ hội tuổi trẻ bị đánh cắp (Bài 2)

Phóng sự - Thọ Đào - Nguyễn Thanh - 19:37, 22/03/2023
Nhiều bạn trẻ, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã chẳng thể vượt lên chính mình, chẳng thể vượt qua hủ tục… vội vã làm vợ, làm chồng khi chưa đủ tuổi. Cuộc hôn nhân chưa được pháp luật công nhận dường như đang “trói buộc” ước mơ, khát vọng, cơ hội của họ trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Khánh Hòa: Khởi tố vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh

Khánh Hòa: Khởi tố vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh

Pháp luật - Thành Nhân - 19:34, 22/03/2023
Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã ban hành quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại các khoảnh 8 và 9, Tiểu khu 103 xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) và khoảnh 1 và 4, Tiểu khu 219 xã Diên Điền (huyện Diên Khánh).
Niềm vui có thêm phòng học mới của thầy trò điểm trường Xộp Huối

Niềm vui có thêm phòng học mới của thầy trò điểm trường Xộp Huối

Giáo dục dân tộc - Quỳnh Trâm - 19:28, 22/03/2023
Nhóm Thiện nguyện Hội cựu học sinh Lam Sơn khóa 1989 - 1992 tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với UBND huyện biên giới Quan Sơn và chính quyền xã Na Mèo, tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao điểm Trường Tiểu học Xộp Huối, thuộc Trường tiểu học xã Na Mèo.
Giải quyết việc làm cho người lao động vùng biên giới Mèo Vạc

Giải quyết việc làm cho người lao động vùng biên giới Mèo Vạc

Nghề nghiệp - Việc làm - Văn Hoa - Minh Đức - 18:35, 22/03/2023
Nhằm kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động, ngày 22/3, UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã tổ chức Ngày hội việc làm năm 2023. Tham dự có lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thường trực Huyện ủy - UBND huyện; đại diện các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; cùng hơn 1.500 người lao động trên địa bàn huyện.
Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc

Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc

Xã hội - BĐT - 18:09, 22/03/2023
Ngày 22/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo chuyên đề giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp trong quy ước, hương ước các DTTS của tỉnh.