Còn về diễn biến dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 27/12 cho thấy, hiện toàn thế giới có 250.340.660 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 24.558.261 ca bệnh đang điều trị thì có 24.469.838 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 88.423 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Làn sóng bùng phát vào dịp cuối năm đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành hàng không. Cuối tuần qua, khoảng 3.900 chuyến bay bị hủy vào hai ngày lễ Giáng sinh do phòng biến thể Omicron lây lan nhanh và thiếu hụt nhân sự ngành hàng không. Các hãng hàng không đã hủy hàng trăm chuyến bay do biến thể Omicron và thiếu hụt nhân viên trong mùa du lịch nghỉ lễ bận rộn. Delta Air Lines và United Airlines đã cùng nhau hủy hơn 600 chuyến bay.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 27/12, hiện 57,4,5% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 8,96 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 32,91 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện chậm chạp, ở mức 8,3%.
Riêng trong ngày 26/12 các hãng hàng không của Mỹ đã hủy hàng trăm chuyến bay, khiến hàng chục nghìn du khách đi lại trong dịp Giáng sinh buộc phải thay đổi kế hoạch. Tình trạng này đã xảy ra trong 3 ngày liên tiếp khi các phi hành đoàn bị cấm bay, giữa lúc số lượng ca mắc mới COVID-19 gia tăng đột biến do biến thể Omicron có khả năng lây lan cao.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 83.419.293 trường hợp, trong đó có 1.509.283 ca tử vong và 72.791.858 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 152.270 và 1.769 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là tâm dịch của thế giới với số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục.
Viện Y tế Quốc gia Italy (ISS) công bố ngày 26/12 cho thấy 25% số ca mắc mới COVID-19 trong vòng một tuần - từ ngày 17 đến 23/12 - ở nước này đều ở độ tuổi đi học (dưới 20 tuổi). Theo báo cáo của ISS, trẻ em từ 6-11 tuổi chiếm khoảng 50% tổng số ca bệnh mới trong độ tuổi vừa đề cập, trong khi hơn 35% là thanh thiếu niên lớn hơn. Trước đó, Bộ Y tế Italy hôm 24/12 đã cho phép những người 16-17 tuổi và trẻ vị thành niên có thể trạng yếu, nguy cơ mắc bệnh cao, được tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 từ ngày 27/12. Hiện nay, ở Italy, chỉ những người trên 18 tuổi mới được phép tiêm mũi vaccine tăng cường. Cơ quan Quản lý Dược phẩm Italy (AIFA) sẽ ra quyết định về việc tiêm mũi vaccine tăng cường đại trà cho trẻ em từ 12-15 tuổi vào cuối tháng 1/2022.
Hiện Bắc Mỹ có 63.240.857 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.235.193 ca tử vong vì COVID-19.
Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 53.222.424 ca nhiễm và 837.854 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 96.384 ca.
Cố vấn y tế Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ - Tiến sĩ Anthony Fauci ngày 26/12 dự báo làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron gây ra có thể làm tiêu tan những nhận định cho rằng biến thể này gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, thậm chí khiến cho các bệnh viện trở nên quá tải.
Ông Fauci thừa nhận Mỹ đang gặp phải vấn đề về xét nghiệm khi biến thể Omicron lây lan mạnh trên toàn quốc, đồng thời cam kết sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm cho các công dân nước này vào tháng tới. Ông Fauci cho biết biện pháp đối phó tổng hợp của chính quyền Tổng thống Joe Biden là duy trì đầy đủ lực lượng dự phòng - bao gồm đội ngũ quân nhân, bác sĩ, y tế và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác cho các bệnh viện, đồng thời đảm bảo rằng nước Mỹ có đủ thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và, nếu cần, có đủ máy thở trong kho dự trữ chiến lược quốc gia.
Còn tại châu Á, song song với việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiến tới việc mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng . Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận tại nhiều nước trong khu vực.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 84.148.609 trường hợp, với 1.248.879 ca tử vong và 81.473.861 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 65.525 ca nhiễm mới.
Ngày 26/12, chính quyền thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh quốc gia này cùng ngày ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 21 tháng qua, riêng số ca ở Tây An tăng hơn gấp đôi. Trung Quốc đại lục ngày 26/12 phát hiện thêm 158 ca lây nhiễm cộng đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020, trong đó có 155 ca ở thành phố Tây An, tăng so với 75 ca ghi nhận trước đó một ngày, nâng tổng số ca bệnh ở thành phố này lên gần 500 ca trong vài tuần qua.
Tính đến sáng 27/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 9.568.337 trường hợp, trong đó có 227.816 ca tử vong và 8.559.040 ca bình phục. Trong tổng số 781.481 ca đang điều trị thì có 1.740 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.413.540 ca nhiễm COVID-19 và 90.814 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 8.814 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 463.515 trường hợp ca mắc COVID-19, với 4.450 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 301.280 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.815 ca./.