Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 454.322 ca nhiễm mới, 13.518 ca tử vong. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao, với 105.814 ca nhiễm mới và 3.019 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 27.382.592 ca và 470.152 ca.
Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc COVID-19 với 10.815.222 ca, đứng thứ ba với về số ca tử vong với 154,956 ca. Với 9.447.165 ca nhiễm, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc, đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong với 230.034 ca. Riêng trong ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 49.396 ca nhiễm mới.
Bắc Mỹ trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (31.323.948 ca). Với 31.087.574 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 23.445.288 ca và Nam Mỹ với 16.290.811 ca. Châu Phi (3.661.496 ca) và châu Đại Dương (50.366 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại châu Âu, nước Anh cho biết sẽ siết chặt quy định cách ly từ ngày 15/2, theo đó những người Anh hoặc định cư tại Anh trở về từ 33 nước thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao các biến thể của virus SARS-CoV-2 bắt buộc phải cách ly 10 ngày tại khách sạn ngay khi nhập cảnh.
Trong khi đó, tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex cho biết sẽ ngừng áp đặt lệnh phong tỏa mới sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn và chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được thúc đẩy. Dù vậy, ông cho rằng hiện chưa phải là lúc nới lỏng các hạn chế.
Tại Áo, chính phủ nước này cũng khẳng định không áp dụng phong tỏa vùng Tyrol, khu vực vừa phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi. Bộ trưởng Y tế Rudolf Anschober cho biết vùng Tirol sẽ không bị cách ly, thay vào đó sẽ triển khai xét nghiệm hàng loạt tại các khu vực nhất định.
Còn tại Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki thông báo kể từ giữa tháng 2, các khách sạn, rạp chiếu phim và nhà hát ở nước này sẽ mở cửa trở lại nhưng chỉ được phép hoạt động với 50% công suất. Trong khi đó, các nhà hàng và câu lạc bộ thể thao sẽ vẫn đóng cửa.
Bản thân nội bộ nước Đức cũng đang có những quan điểm trái chiều về việc có nên nới lỏng hạn chế sau khi kết thúc lệnh phong tỏa toàn phần do dịch COVID-19 vào ngày 14/2 hay không. Dự kiến, trong ngày 10/2, Chính phủ Đức và các bang sẽ họp và đưa ra quyết định.
Tại châu Á, các nước Thái Lan, Philippines và Indonesia tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc và tử vong do COVID-19. Trung tâm xử lý tình huống dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) ngày 5/2 thông báo nước này có 586 ca mắc mới, trong đó có tới 573 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thái Lan đến nay ghi nhận 22.644 ca mắc và 79 ca tử vong.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết tổng số ca nhiễm tại đây đã lên tới 533.587 ca, sau khi ghi nhận thêm 1.894 ca mắc mới trong ngày 5/2. Số ca tử vong là gần 11.000 ca. Trong khi đó, với số ca mắc mới tăng 11.749 ca trong ngày 5/2, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 1.134.854 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong khi số ca tử vong tại nước này đã lên tới 31.202 ca, tăng thêm 201 ca trong 24 giờ qua. Hiện dịch COVID-19 đã lây lan toàn bộ 34 tỉnh của nước này, trong đó thủ đô Jakarta vẫn là điểm nóng với số ca mắc được ghi nhận trong 24 giờ qua cao nhất cả nước là 3.340 ca.
Nam Mỹ ghi nhận 16.290.811 ca nhiễm sau khi có thêm 73.634 ca nhiễm mới trong ngày qua, trong đó có 425.497 ca đã tử vong. Tại Nam Mỹ, Brazil và Colombia là những nước ghi nhận số ca mắc cao nhất khu vực với lần lượt là 9.447.165 và 2.142.660 ca.
Châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày hôm qua là 14.528, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 3.661.496 ca, trong đó 94.279 ca đã tử vong. Nam Phi là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực, với con số 1.470.516 ca, trong đó 45.902 ca đã tử vong.
Trong khi đó, châu Đại Dương có thêm 26 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực này lên 50.366 ca, trong đó có 1.078 ca tử vong. Australia là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong khu vực, với 28.842 ca, trong đó 909 người đã tử vong./.