Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, Châu Âu tiếp tục là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới khi chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh tại nhiều quốc gia trong khu vực. Châu Âu hiện ghi nhận 108.344.556 ca mắc COVID-19, trong đó 1.582.734 ca tử vong. Hết ngày 19/1, châu Âu ghi nhận 1.486.275 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó 3.364 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Pháp, Italy, Anh, Tây Ban Nha, Đức... là các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất châu lục.
Tại châu Á, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 92.187.693 ca nhiễm và 1.274.519 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 614.271 ca mắc và 1.210 trường hợp tử vong mới vì đại dịch.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và thứ 2 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận 38.216.399 ca mắc COVID-19, trong đó 487.719 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất châu lục với 315.158 ca. Tiếp đó là Israel (30.772 ca); Nhật Bản (29.862 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (72.615 ca); Philippines (22.958 ca)…
Tại Ấn Độ, dù tỷ lệ lây nhiễm đã giảm thời gian gần đây ở những thành thị lớn, song các chuyên gia nhận định đỉnh dịch có thể đạt vào giữa tháng sau và tác động của đợt lây nhiễm này sẽ chỉ được xác định rõ trong 2 đến 3 tuần sau đó. Khoảng 70% trong số 939 triệu dân số trưởng thành ở Ấn Độ đã hoàn thành chương trình tiêm chủng cơ bản và chiến dịch tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và nhóm nguy cơ cao đang được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người ở Ấn Độ đang chờ được tiêm mũi đầu tiên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Kishida Fumio ngày 19/1 khẳng định Nhật Bản hy vọng sẽ vượt qua đợt dịch này dựa trên những biện pháp chuẩn bị phòng ngừa hợp lý và không sợ hãi thái quá. Trước đó cùng ngày, Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng phòng dịch trọng điểm tại Tokyo và 12 tỉnh khác, theo đó các nhà hàng phải đóng cửa sớm hơn và dừng hoặc hạn chế bán đồ uống có cồn.
Cũng trong ngày 19/1, Chính phủ Hàn Quốc thông báo tăng cường các biện pháp quản lý phòng dịch COVID-19 đối với người nước ngoài cư trú tại nước này. Theo đó, Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc cho biết các bộ ngành liên quan đã tiến hành cuộc họp trong ngày 19/1, thảo luận về "Phương án xúc tiến tiêm chủng mũi ba và quản lý phòng dịch với lao động người nước ngoài". Theo đó, Bộ Hành chính sẽ phối hợp cùng các địa phương tích cực hướng dẫn về việc tiêm phòng mũi ba cho người lao động nước ngoài thông qua các trung tâm hỗ trợ người nước ngoài. Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã lập ra nhóm rà soát gồm hơn 200 nhân lực, dự kiến tập trung rà soát về việc tuân thủ quy tắc phòng dịch tại các cơ sở tập trung đông người nước ngoài, các cơ sở giải trí.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 81.285.572 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.282.823 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Guatemala, Costa Rica, Panama…
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh tại châu lục trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 69.390.527 ca nhiễm COVID-19, trong đó 879.413 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất khu vực gồm: Mỹ (458.595 ca); Mexico (49.343 ca); Canada (18.058 ca)…
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 19/1 nhận định nước này dường như đang bước qua đỉnh của làn sóng COVID-19 mới nhất do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra, mặc dù số ca mắc mới vẫn cao hơn nhiều so với bất kỳ làn sóng dịch nào trước đó và số người nhập viện do COVID-19 cũng đang ở mức cao nhất.
Tại Nam Mỹ, khu vực này hiện đã có 44.154.602 ca, trong đó 1.200.796 ca tử vong vì đại dịch. Các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 23.416.748 ca nhiễm, trong đó 621.855 ca tử vong vì COVID-19. Xếp sau Brazil về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh gồm Argentina, Colombia, Peru, Chile…
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 10.606.902 ca nhiễm, trong đó 235.452 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.568.900 ca nhiễm COVID-19, trong đó 93.707 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Libya, Ethiopia, Ai Cập...
Châu Đại dương ghi nhận có 2.130.100 ca nhiễm COVID-19, trong đó 5.169 ca tử vong vì dịch bệnh. Australia, Fiji và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 24 giờ qua, khu vực có 5 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm mới COVID-19, bao gồm Australia (79.365 ca); Fiji (347 ca); New Zealand (79 ca); New Celadonia (370 ca) và Palau (22 ca)./.