Sau hơn hai năm ứng phó, ngày càng nhiều nước trong khu vực thực hiện lộ trình mở cửa hoàn toàn, thích ứng sống chung với đại dịch. Tuy nhiên, sự xuất hi hai biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là "Deltacron" và "Omicron tàng hình" đang nổi lên và gây quan ngại. Tờ Independent (Anh) cho biết con số toàn cầu về số ca nhiễm Deltacron vẫn chưa được làm rõ trong khi con số thống kê được đối với Omicron tàng hình lại rõ ràng hơn. Tại Anh, biến thể phụ này chiếm tới 57% trong 27.000 ca mới ghi nhận ở tuần cuối của tháng 2. Tại Mỹ, Omicron tàng hình chiếm khoảng 23,1% tổng số ca mắc.
Về diễn biến dịch bệnh cụ thể theo từng khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 170.280.622 trường hợp, trong đó có 1.752.315 ca tử vong và 150.328.942 ca được điều trị khỏi.Còn số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 21/3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 406.913.376 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 57.769.774 ca bệnh đang điều trị thì có 57.707.513 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 62.261 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Về tình hình tiêm chủng, số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 21/3, hiện 64% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 10,99 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 16,85 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng là không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp hiện mới chỉ đạt 14,4%.
Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 21/3 là 96.044.662 trường hợp, trong đó có 1.431.624 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 81.407.804 ca nhiễm và 997.927 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Đáng lo ngại là tình hình vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Cuối tuần trước, Cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sỹ Anthony Fauci cảnh báo rằng trong vài tuần tới, số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ có nguy cơ tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây. Dự báo của Tiến sĩ Fauci được đưa ra căn cứ vào trường hợp nước Anh, nơi mà những ca dương tính mới đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 132.485.137 trường hợp, với 1.384.004 ca tử vong và 115.099.998 ca điều trị khỏi. Song song việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiếp tục theo đuổi chủ trương mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng.
Từ ngày 27/3 tới, Ấn Độ sẽ chính thức nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế sau 2 năm giới hạn hoạt động. Du khách đến Ấn Độ vẫn phải có chứng nhận tiêm chủng, kết quả xét nghiệm PCR âm tính 72 giờ trước khi bay.
Trong khi đó, Malaysia cũng đang trong lộ trình chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại biên giới an toàn từ ngày 1/4 tới. Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin tin tưởng rằng, việc mở lại biên giới với thế giới sẽ giúp phát triển và phục hồi kinh tế của đất nước vì ngành du lịch đóng góp hơn 15% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước. Dự kiến, trong vòng một tuần tới, Bộ Y tế sẽ công bố những quy định cụ thể khi nhập cảnh.
Trong 24 giờ qua, châu Phi có thêm 1.225 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 21/3 lần lượt là 11.657.677 và 252.038 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.704.218 ca nhiễm COVID-19 và 99.881 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 52.224 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 40.001 ca. Hiện khu vực này có tổng số 4.645.340 trường hợp ca mắc COVID-19, với 8.459 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 3.903.113 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 483.222 ca./.