Hiện biến thể siêu lây nhiễm Omicron đã đạt đỉnh tại nhiều quốc gia và nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần thận trọng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh cùng với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2.
Ngày 11/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/4 thông báo cơ quan này đã bổ sung BA.4 và BA.5, biến thể phụ mới của Omicron vào danh sách các biến thể cần theo dõi. WHO đã theo dõi biến thể phụ BA.1 và BA.2, hiện chiếm chủ đạo số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, cũng như biến thể phụ BA.1.1 và BA.3.
WHO cho biết đã bắt đầu theo dõi các biến thể phụ này bởi "những đột biến mới này cần được nghiên cứu sâu hơn để hiểu về tác động của chúng đối với khả năng trốn hệ miễn dịch".
Còn về tình hình dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 12/4 cho thấy, hiện toàn thế giới có 449.346.109 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 44.056.226 ca bệnh đang điều trị thì có 44.010.956 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 45.270 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 184.266.498 trường hợp, trong đó có 1.790.662 ca tử vong và 164.414.246 ca được điều trị khỏi.
Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 12/4 là 97.084.725 trường hợp, trong đó có 1.449.010 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 82.079.476 ca nhiễm và 1.012.217 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay tại Mỹ, số ca nhiễm mới và số người nhập viện đã giảm hơn 90% kể từ đỉnh dịch do biến thể Omicron gây ra vào tháng Giêng. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của nhiều biến thể mới như BA.2, XD, XF và XE, các nhà chức trách Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp thận trọng, thông qua việc tiếp tục coi vaccine là phương pháp phòng dịch chủ yếu.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 143.876.673 trường hợp, với 1.411.815 ca tử vong và 122.934.846 ca điều trị khỏi.
Ngày 11/4, số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lần đầu tiên trong 7 tuần qua, đã giảm xuống dưới 100.000 ca/ngày, trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh ở nước này do biến thể Omicron gây ra đang có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 3. Dự kiến trong tuần này, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ giãn cách xã hội để khôi phục nhịp sống bình thường như trước dịch.
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng giảm dần, ngày 11/4, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố chi tiết kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học sau thời gian giảng dạy theo hình thức trực tuyến. Cụ thể, các trường học sẽ nối lại việc giảng dạy trực tiếp nửa ngày theo từng giai đoạn từ ngày 19/4 và có thể bố trí căn cứ theo tình hình thực tế mỗi trường.
Tính đến sáng 12/4, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Phi lần lượt là 11.794.593 và 253.144 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.732.075 ca nhiễm COVID-19 và 100.096 ca tử vong vì dịch bệnh. Hiện biến thể Deltacron đang là nguyên nhân gây nên nhiều ca nhiễm ở Nam Phi và được dự báo có thể sẽ gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5 tới ở nước này.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 50.575 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 42.726 ca. Hiện khu vực này có tổng số 6.163.706 trường hợp ca mắc COVID-19, với 9.658 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 5.107.611 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 774.928 ca./.