Phong phú nghệ thuật trình diễn dân gian
Di sản văn hóa phi vật thể vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An rất phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình. Trong sự phong phú và đa dạng ấy, tiêu biểu nhất là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, với nhiều di sản phổ biến, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc.
Điển hình phải kể đến di sản văn hóa của cộng đồng người Thái. Là DTTS chiếm số lượng đông đảo ở Nghệ An, người Thái có các loại hình nghệ thuật như trình diễn cồng chiêng, khắc luống, múa xòe, chơi pí, khắp, lăm, nhuôn, nhảy sạp.
Đứng thứ 2 về dân số, là người Thổ, cũng đang lưu giữ nghệ thuật ca truyền thống như, tập tình tập tang, đu đu điềng điềng, các điệu múa cổ truyền và các làn điệu như dân ca điềng điềng, hát dạ ời; trình diễn cồng chiêng, khèn so ma.
Còn dân tộc Khơ Mú cũng có nhiều hoạt động nổi bật, với cồng chiêng, tơm, phí tơm, đao đao, khèn lá, khèn môi bằng nứa, cồng chiêng nứa. Trong khi đó, người Mông trên các bản làng mờ sương, sở hữu các di sản như khèn bè, khèn môi, sáo, hát cự xia.
Chưa kể, các huyện vùng DTTS&MN Nghệ An còn bảo tồn nhiều di sản thuộc loại hình phong tục, tập quán như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tục làm vía và buộc chỉ cổ tay, tục uống rượu cần, nghi thức cưới hỏi… Cùng với đó, là các di sản thuộc tri thức dân gian như kinh nghiệm thực hành nghề mo, các bài thuốc nam chữa bệnh...
Hiện tại, vùng DTTS&MN xứ Nghệ đang có nhiều di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Đền Chín Gian (huyện Quế Phong), nghi lễ Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An, lễ mừng lúa mới…
Bà Phan Thị Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) cho biết: Thực hiện kiểm kê di sản đã giúp các cấp chính quyền địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ, gìn giữ di sản.
Trở lại với việc thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch"; thì việc bảo tồn, gìn giữ, có cái nhìn đúng đắn về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp càng là động lực thúc đẩy cho việc phát huy vào hoạt động du lịch.
Đó cũng là lý do, để giai đoạn II từ 2026-2030, Chương trình MTQG 1719, sở Văn hóa thể thao đề nghị tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; duy trình 55 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN, vùng di dân tái định cư, hỗ trợ hoạt động 55 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN…
…khó thực hiện hoạt động kiểm kê, kiểm đếm
Theo bà Phan Thị Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao), công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Lực lượng trực tiếp tham gia kiểm kê, kiểm đếm là một số cán bộ văn hóa, đặc biệt ở cấp xã, còn hạn chế trong việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể cũng như hiểu rõ nội dung kiểm kê.
Bà Anh nói thêm: Thực tế thì trước mỗi đợt kiểm kê, ngành Văn hóa từ tỉnh đến huyện đều tổ chức các buổi tập huấn, nhưng một số cán bộ văn hóa xã vẫn nhầm lẫn giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chẳng hạn như nhầm lẫn bia đá, sắc phong với di sản phi vật thể. Một số nghề truyền thống đã không còn được thực hành hoặc bị cấm vẫn bị đưa vào danh mục.
Như để “thanh minh” cho cái khó khăn, bất cập mà đại diện sở Văn hóa thể thao đã đề cập, cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Con Cuông Nguyễn Hồng Hiền nói: Do đời sống khó khăn nên việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể chưa được chú trọng.
Một số cộng đồng dân cư vẫn thực hành di sản mà không nhận thức đó là di sản, như lễ bốc mó của người dân tộc Thổ, tục làm vía buộc chỉ tay, hay lễ tạ ơn cha mẹ của người Thái…
Một khó khăn khác cũng đang hiện hữu, là sự bất đồng ngôn ngữ. Hiện tại, một số di sản chỉ được ghi chép bằng tiếng địa phương, dẫn đến khó tổng hợp thông tin, ví dụ như: Hằng vắn, Xến bản, Xến mường, Oọc cắm, Oọc khọ, Boọc mạy, Păm tài...
Thêm vào đó, quá trình kiểm kê, kiểm đếm văn hóa phi vật thể đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí; nhưng nguồn kinh phí dành cho hoạt động này chưa đảm bảo, khiến thời gian tìm hiểu, sưu tầm tại các thôn, bản bị hạn chế. Chưa kể, di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu được lưu truyền bằng miệng, thiếu ghi chép dạng văn bản, làm tăng nguy cơ thất truyền.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc sở Văn hóa thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh thông tin: Phần lớn các huyện chưa đề xuất được những biện pháp bảo vệ hợp lý, tốt nhất, phù hợp với tính chất và đặc thù của từng loại hình di sản. Đối diện với điều đó, di sản văn hóa phi vật thể không dễ dàng hình thành, nhưng lại rất dễ bị mai một, biến mất.
Bà Hạnh cũng nêu lên một số giải pháp trong thời gian tới để đẩy mạnh việc kiểm kê, kiểm đếm. Đó là, ngành sẽ đề xuất và tham mưu các cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa cho cán bộ cơ sở.
Cùng với đó, là triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa vật thể. Đây là một trong những hoạt động, mà nếu thực hiện tốt, thì quá trình triển khai Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 sẽ trở nên thuận lợi hơn, hiệu quả hơn; đáp ứng tối đa nhu cầu hưởng thụ của người dân trên địa bàn.