Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, gắn bó mật thiết với Nhân dân lao động. Truyền thống vẻ vang của quê hương xứ Nghệ và gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ đến tuổi ấu thơ của Bác, từ đó hình thành nhân cách, tư tưởng, đạo đức của Người.
Ra đi tìm đường cứu nước khi mới 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đây, Người đã tìm thấy những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, với bản lĩnh phi thường, trí tuệ thiên tài, tầm nhìn vượt thời đại và tài tổ chức lỗi lạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng nước ta. Người đã tích cực và dày công chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng chính trị, tổ chức, cán bộ cho sự ra đời của Đảng ta, một chính Đảng cách mạng chân chính, tiền phong của giai cấp công nhân, của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước do Nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình yêu thương bao la đối với con người, cỏ cây. Bác luôn “Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa; Tự do cho mỗi đời nô lệ; Sữa để em thơ, lụa tặng già!” (trích trong bài thơ Bác ơi của nhà thơ Tố Hữu). Người đề cao lòng nhân ái, nhân văn sâu sắc khi tôn trọng công sức của người dân, chăm lo đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí. Người “nâng niu tất cả, chỉ quên mình” và đến phút cuối đời vẫn chỉ lo một cách thiết thực sao cho “khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của Nhân dân”.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tư tưởng và sự quan tâm, chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành kim chỉ nam trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm xuyên suốt đó là: đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào. Đánh giá cao vị trí trọng yếu của vùng miền núi - nơi có vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị, đối ngoại và quốc phòng; là vị trí căn cứ địa cách mạng, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, nơi tiếp giáp các nước láng giềng… Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến địa bàn chiến lược này và dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam tình cảm đặc biệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua cuộc đời đầy gian khổ, hy sinh. Trọn đời Người vì nước, vì dân. Trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân.
45 năm sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện; uy tín, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giảm nghèo bền vững, cũng như mục tiêu về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu; xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, tầng lớp Nhân dân như ước nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời.
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (năm 2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thấm nhuần phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta quyết tận dụng tốt nhất những thời cơ vận hội, hóa giải kịp thời những nguy cơ và vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như tâm nguyện của Người”.
Cả cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức, tác phong của Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc, Nhân dân và non sông đất nước. Ngày nay, tư tưởng, phong cách và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Việt Nam trong quá trình đổi mới, phát triển. Tháng Năm về, kỷ niệm Ngày sinh của Bác, mỗi chúng ta hãy soi rọi lại mình, để rèn luyện phấn đấu, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.