Năm 2021, gia đình anh Chảo Láo Tả ở thôn Can Hồ A, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa đã bị chết 1 con trâu do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Rút kinh nghiệm, để bảo vệ đàn trâu 5 con của gia đình, ngay từ đầu mùa Đông năm nay anh Tả đã chủ động xây dựng chuồng trại kiên cố; đồng thời, che chắn kín gió, dự trữ thức ăn bảo đảm có đủ thức ăn trong những ngày nhiệt độ giảm sâu không thể chăn thả.
“Mùa Đông năm nay gia đình đã mua thêm bạt nylon về che xung quanh chuồng trâu để tránh gió rét. Cùng với đó, năm vừa qua sau khi thu hoạch lúa xong thì gia đình cũng đã tích trữ rơm để nơi khô ráo cho trâu ăn thêm trong những ngày giá rét. Để cho trâu khỏe hơn thì hàng ngày gia đình cũng pha thêm nước muối, nấu cám cho ăn”, anh Tả cho biết.
Xã Ngũ Chỉ Sơn hiện có hơn 1.600 con trâu, gần 200 con bò và 294 con ngựa. Đến nay, 100% số trâu bò đã được tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Cùng với đó, xã tăng cường tuyên truyền vận động người dân chủ động các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc trong những ngày giá rét. Nhờ đó, trên địa bàn xã chưa có con gia súc nào bị chết đói, chết rét kể từ đầu mùa Đông đến nay.
Gia đình chị Phạm Thị Thủy - thôn Chính Tiến, xã Gia Phú huyện Bảo Thắng hiện nuôi hơn chục con trâu, bò. Là hộ có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, chị Thủy luôn tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương trong công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc của gia đình. Ngay từ đầu mùa rét gia đình chị Thủy đã chủ động gia cố, che chắn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ đảm bảo giữ ấm cho gia súc của gia đình mình. Xung quanh nhà chị trồng mấy sào cỏ voi để làm thức ăn cho trâu, bò… tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc định kỳ…
Huyện Bảo Thắng hiện có trên hơn 135.000 con gia súc; tỷ lệ hộ có chuồng nuôi bảo đảm, kiên cố đạt 97%. Để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, phòng Nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, gia cố, che chắn đảm bảo chuồng trại đủ ấm không bị mưa tạt, gió lùa; nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ.
Vào những ngày trời rét đậm, rét hại không thả giông gia súc, cần bổ sung thêm thức ăn tinh và nước muối pha loãng để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, bảo đảm cho đàn gia súc phát triển khỏe mạnh. Vận động người dân không thả rông gia súc trên rừng, núi, vào những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 120C. Nhờ thực hiện tốt và nghiêm túc công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trong mùa đông, những năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng gia súc chết do đói, rét, dịch bệnh vào mùa Đông.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 44.000 hộ chăn nuôi đại gia súc với tổng đàn trên 127.400 con. Trong đó, số hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm phòng, chống rét chiếm 78,1%; số hộ có chuồng tạm chiếm 17,8%; số hộ không có chuồng chiếm 4,1%. Để thực hiện công tác phòng, chống rét, các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm, thường xuyên có cán bộ xuống tận thôn, bản để hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp bảo vệ đàn gia súc cho Nhân dân.
“Là địa phương có nền nhiệt thấp nhất của tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án phòng chống đói rét cho gia súc khi có những thay đổi bất thường của thời tiết. Các phường xã cũng đã xây dựng các phương án như: Di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét, bà con Nhân dân thì tăng cường dự trữ thức ăn, hạn chế chăn thả trâu khi nhiệt độ xuống quá thấp…”, bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa nhấn mạnh.
Cùng với các biện pháp phòng, chống rét, ngành Nông nghiệp Lào Cai cũng hướng dẫn, vận động người dân trồng trên 2.800 ha cỏ, cơ bản đáp ứng được 50% nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc. Với sự chủ động của các cơ quan chuyên môn và người dân, sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài.