Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghịTheo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 6 điểm mới, gồm: Kỳ thi được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm buổi thi từ 4 buổi thi còn 3 buổi thi; đề thi theo hướng đánh giá năng lực, có các môn thi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; đẩy mạnh chuyển đổi số, 100% thí sinh đều có thể đăng ký dự thi trực tuyến; tăng cường sử dụng kết quả đánh giá quá trình trong xét công nhận tốt nghiệp THPT từ 30% lên 50%.
Đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi ngoại ngữ, người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt được miễn thi môn Ngữ văn. Tuy nhiên, không quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, chỉ giảm môn thi với yêu cầu chứng chỉ phải còn hạn đến ngày 25/6/2025. Thí sinh chỉ ngồi 1 phòng thi trong suốt 3 buổi thi.
Theo ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có 48 mã đề thi, trong đó có 24 mã đề thi dành cho ca 1 và 24 mã đề thi dành cho ca 2. Việc in sao đề thi phải in đủ theo số lượng thí sinh trong phòng thi. Và việc in sao đề thi được thực hiện theo từng Chương trình GDPT, không thực hiện đồng thời để tránh nhầm lẫn.
Quang cảnh Hội nghịCòn đối với học sinh dự thi theo Chương trình GDPT 2006, Sở GD&ĐT phải tổ chức 1 số điểm thi riêng dành cho các thí sinh này. Mô hình tổ chức, cách thức tổ chức, môn thi được giữ ổn định như năm 2024. Nếu chỉ có 1 thí sinh tham dự tỉnh cũng phải tổ chức 1 điểm thi riêng. Các điểm còn lại dành riêng cho học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi triển khai theo Chương trình GDPT 2018 với phương thức thi mới (2+2 môn thi). Kỳ thi được tổ chức gọn gàng, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm tính công bằng, chất lượng, đánh giá đúng chất lượng GDPT.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng yêu cầu các địa phương phải dự báo khâu nào là khâu khó khăn nhất, dễ xảy ra rủi ro nhất trong công tác tổ chức kỳ thi, từ đó dự báo nhiệm vụ, giải pháp để chủ động huy động, bố trí lực lượng nhằm sẵn sàng ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương phải chỉ đạo kỹ lưỡng, cá thể hóa từng vị trí, nhiệm vụ với tinh thần gọn gàng, giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, kết quả được sử dụng đánh giá chất lượng GDPT.
Các đại biểu tham dự Hội nghịThứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các Sở chỉ đạo tốt công tác dạy học, nhất là bối cảnh thực hiện Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm. Trong đó, cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo kết quả học tập tốt cho các em học sinh trong quá trình học.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu 100% các trường phải tổ chức thi thử, vận hành thật, đánh giá thật, sử dụng kết quả đó để phân loại học sinh để các em bổ sung kiến thức kịp thời. Đây cũng vừa là dịp để thầy cô giáo tập dượt công tác tổ chức, coi thi.
Ngoài ra, ngành Giáo dục cần chủ động đề nghị các đơn vị như Công an, Y tế, Điện lực… hỗ trợ, phối hợp để không chồng chéo và bỏ sót việc. Phải làm tốt công tác truyền thông, chủ động kịp thời và hiệu quả, nhất là các điểm mới của kỳ thi và việc đề thi là tối mật, nếu vi phạm thì phải xử lý hình sự để học sinh biết và tránh xa.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi dự kiến có hơn 1,1 triệu thí sinh tham gia dự thi, chưa tính thí sinh tự do. Đối với thí sinh tự do, thí sinh được lựa chọn thi theo Chương trình GDPT 2006 hay Chương trình GDPT 2018.
Từ ngày 21 - 28/4, thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống trực tuyến, sớm hơn so với mọi năm. Trước đó, từ ngày 15 - 18/4, thí sinh đăng ký thi thử trên hệ thống. Ngày 26 và 27/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trên cả nước. Ngày 16/7, công bố kết quả thi.