Trước đó, ngày 17/6/2024, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), sau đó Quốc hội đã thảo luận tại tổ và đã có 106 lượt ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia thảo luận. Ngay sau phiên thảo luận tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ và có báo cáo tổng hợp gửi đến ĐBQH. Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Pháp luật tổ chức nghiên cứu giải trình thảo luận tại tổ và có Báo cáo số 256 ngày 24/6/2024 gửi đến các ĐBQH.
Thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành. Việc sửa đổi Luật Công chứng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức, hoạt động của công chứng đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra là phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các ĐBQH đã tập trung thảo luận vào một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật và 8 nhóm nội dung cụ thể đã nêu trong Báo cáo thẩm tra cùng các vấn đề khác mà ĐBQH quan tâm. Trong đó, nhiều ĐBQH đề cập đến vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với dịch vụ công chứng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho biết về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng quy định tại Điều 20, đại biểu nhận thấy dự án Luật kế thừa các quy định hiện hành. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, quy định trên vẫn còn nhiều băn khoăn vì trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là rất là phù hợp. Một mặt là vừa là góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương là xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với lại dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.
Ngoài ra, hiện nay, đối với những nơi trên, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể là gây lãng phí nguồn lực công chứng viên và nguồn thu để bảo đảm hoặc là duy trì hoạt động của tổ chức thành người công chứng với hai công chứng viên là rất là khó.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị là cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh loại hình là công ty hợp danh như quy định hiện hành thì nên chăng là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình văn phòng công chứng chỉ là một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân. Vì thực tế hiện nay, phần lớn các văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên điều hành hoạt động của Văn phòng công chứng.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng chúng ta không nên vì những bất cập trong việc tổ chức Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân theo Luật Công chứng năm 2006 (như khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do khác không thể hành nghề công chứng, thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng…) mà loại bỏ mô hình này. Chúng ta nên nhìn nhận đây là vấn đề về quản lý, tổ chức thực hiện cần được giải quyết, khắc phục thông qua sửa đổi Luật lần này.
Việc quy định Văn phòng công chứng phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên còn dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, nhằm đối phó với quy định của Luật, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua (có Văn phòng công chứng trên danh nghĩa có 2 công chứng viên, nhưng thực tế chỉ có 1 công chứng viên hoạt động thường xuyên).
Quan trọng hơn, nếu cho phép thành lập Văn phòng công chứng do 1 công chứng viên làm chủ, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao (nhưng không thể thiếu); để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân (không phải đi xa hàng chục, hàng trăm km mới có thể tiếp cận được các dịch vụ công chứng), vừa khuyến khích, tạo thuận lợi cho công chứng viên hành nghề công chứng, đầu tư thành lập các văn phòng công chứng ở những nơi không có nhiều người đủ điều kiện hành nghề, hoặc có đủ điều kiện nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư vào ngành nghề công chứng ở những nơi khó khăn.
Do đó, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị bổ sung vào dự án Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh theo hướng: Ngoài loại hình công ty hợp danh thì loại hình doanh nghiệp tư nhân được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng miền núi và khu vực khó khăn.