Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, những năm gần đây, tình trạng vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam diễn ra đáng báo động: 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có 808 vụ việc vi phạm liên quan đến ĐVHD. Trong đó, có 46 vụ buôn lậu, vận chuyển, buôn bán ĐVHD; 588 vụ buôn bán và quảng cáo các ĐVHD; 164 vụ nuôi nhốt ĐVHD trái phép và 29 vụ săn bắt ĐVHD…
Cũng trong quý I/2022, 482 quảng cáo ĐVHD trên mạng xã hội bị ngành chức năng xử lý, gỡ bỏ; 22 hội, nhóm buôn bán ĐVHD trên Internet với 61.508 thành viên bị xóa bỏ.
Tại Đắk Lắk, từ năm 2018 - 2022, có 268 vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD và đã có 18 vụ án được đưa ra xét xử, với 23 đối tượng, một số bản án nghiêm khắc với các đối tượng vi phạm đã được áp dụng.
Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 3 và 4/2022, đơn vị đã kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh, phát hiện 7 cơ sở liên quan đến ĐVHD, nhất là các sản phẩm liên quan đến voi. Phòng Cánh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 2,168 tỷ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 4390/UBND-NNMT về việc triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ thực sản phẩm bất hợp pháp từ ngà voi và các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi Tọa đàm, nhiều nhà báo, phóng viên chia sẻ những thông tin về hoạt động vi phạm về ĐVHD trên địa bàn tỉnh và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao vai trò, hiệu quả của báo chí trong việc xử lý tội phạm về ĐVHD, góp phần cùng các cấp, ngành bảo vệ ĐVHD và voi Việt Nam.