Tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, Quốc hội đã phê duyệt tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng (gồm 104.954 tỷ đồng Ngân sách trung ương; 10.016 tỷ đồng ngân sách địa phương; 19.727 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách; 2.967 tỷ đồng vốn huy động hợp pháp khác), nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, Quốc hội cũng quy định một trong các giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình gồm “đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân”.
Trong thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách pháp luật về đầu tư, trong đó ưu tiên đối với địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Một số tồn tại, hạn chế: Hầu hết các địa phương vùng DTTS đều là các tỉnh phụ thuộc vào nguồn ngân sách trung ương còn khó khăn trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Do tác động của đại dịch Covid-19 và việc Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp nên nguồn lực của các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam bị ảnh hưởng, các tổ chức có sự thay đổi về chính sách, nguồn lực ưu tiên. Bên cạnh đó kỹ năng vận động viện trợ của các đối tác Việt Nam còn hạn chế, thủ tục tiếp nhận, phê duyệt các chương trình, dự án còn phức tạp, sự phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp còn bất cập.
Thời gian tới, nguồn lực đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm vào địa bàn ĐBKK, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù, ưu tiên nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em DTTS nghèo; đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư các dự án liên kết vùng có tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội để giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hoá từ các vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng tới các thị trường tiêu thụ.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư, doanh nghiệp, đầu tư công, quy hoạch… để ưu tiên thu hút đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn (đặc biệt thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn ODA...) để bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.
Các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình, lồng ghép với các chương trình, dự án trên cùng địa bàn để đầu tư; nghiên cứu, triển khai áp dụng rộng rãi các chính sách tín dụng ưu đãi nhà nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục và ưu tiên cho các đối tượng của Chương trình để phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững.