Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng 16/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 565.982.867 ca, trong đó 6.383.590 ca tử vong và 537.427.647 ca đã được chữa khỏi.
Số liệu cập nhật từ trang thống kê worldometers.info cũng cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 579.564 ca mắc COVID-19 mới, có thêm 1.017 ca tử vong và 537.117 ca bình phục. Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (210.275.929 ca), tiếp theo là châu Á (163.986.038 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (107.843.098 ca) và Nam Mỹ (60.926.416 ca). Châu Phi (12.435.019 ca) và châu Đại Dương (10.515.646 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.
Tính theo số ca mắc, hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 so với khu vực châu Mỹ và thế giới với 91.106.627 ca mắc, trong đó 1.048.364 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 40.240 ca nhiễm COVID-19 mới.
Tại châu Âu, Italy là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất khu vực trong 24 giờ qua với 96.384 ca, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia này lên 19.985.479 ca. Trong khi đó, Pháp là nước ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Âu với 32.818.901 ca; Nga ghi nhận tổng số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực với 381.794 ca.
Tại châu Á, Nhật Bản ngày 15/7 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt mốc 100.000 ca lần đầu tiên kể từ đầu tháng 2 năm nay và tăng gấp đôi so với tuần trước, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 7 do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Trong đó, thủ đô Tokyo ngày 15/7 ghi nhận 19.059 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 5/2 và tăng hơn gấp đôi so với tuần trước. Trước đó, ngày 14/7, thủ đô Tokyo ghi nhận 16.662 ca mắc mới. Chính quyền thành phố đã nâng cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao nhất trong 4 mức.
Châu Phi ghi nhận thêm 3.225 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó số ca mắc mới đa phần tập trung ở Morocco với 2.021 ca.
Châu Đại dương có thêm 54.067 ca mắc COVID-19 mới, trong số đó Australia chiếm tới 43.273 ca. Ngày 15/7, Thủ tướng Australia Anthony Albanese thông báo sẽ triệu tập một cuộc họp nội các quốc gia khẩn cấp nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đang leo thang trong những tháng mùa Đông này./.