Theo báo cáo tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21 vừa diễn ra vào cuối tháng 6/2018, năm 2012 toàn quốc chỉ có 10,565 triệu người tham gia BHXH và 58,977 triệu người tham gia BHYT tương đương 66,4% dân số. Đến hết tháng 12/2017, đã tăng lên 13,591 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc; 227.506 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; 11,774 triệu người tham gia BHTN và 79,951 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số.
Ngành Bảo hiểm đã giải quyết cho 762.460 người hưởng BHXH hàng tháng; gần 3,8 triệu lượt người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần; gần 38,5 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe... Chỉ tiêu phát triển đối tượng, dự toán thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế được giao năm sau cao hơn năm trước. Đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tăng bình quân 5,8%, giảm nợ đọng từ mức 4,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% với kế hoạch được Chính phủ giao năm 2017.
Từ kết quả trên cho thấy, chủ trương lớn của Đảng phù hợp lòng dân, tạo chuyển biến tích cực, làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; người dân trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Minh chứng như ở tỉnh Điện Biên, theo ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới đặc thù rất khó khăn; nhận thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn không đồng đều, do đó nhiều năm liền, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm rất hạn chế. Tuy nhiên sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 21, số thu và đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tăng lên; việc cấp sổ BHXH, BHYT được triển khai kịp thời, giải quyết và chi trả các chế độ chính sách đảm bảo chính xác, kịp thời khách quan, minh bạch. Nghị quyết 21 đã dần đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS vùng khó khăn nhờ tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT đối với cuộc sống của đồng bào.
Thực tế cũng cho thấy, nơi nào địa phương có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thì chỉ tiêu đạt được đều rất cao. Tuy nhiên, qua kiểm tra, còn không ít các cơ quan, đơn vị vẫn còn thờ ơ, chưa vào cuộc. Một số cấp ủy đảng, chính quyền còn coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ của ngành BHXH, dẫn tới một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách. Tình trạng trốn, nợ BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra. Số người tham gia BHXH còn ở mức thấp so với tiềm năng (cả nước mới có khoảng 25,8% lực lượng lao động tham gia BHXH, 22% tham gia BHTN). Một số tỉnh, nhất là các tỉnh vùng Tây Nam bộ có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp so với mặt bằng chung cả nước.
Hiện nay, cả nước còn gần 3 triệu lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia; khoảng 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia BHXH. Số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, chủ yếu là người đã tham gia BHXH bắt buộc tham gia tiếp BHXH tự nguyện để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí...
Về nguyên nhân hạn chế, tồn tại trên, theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là do nhận thức, ý thức trách nhiệm và sự phối hợp giữa các tổ chức công đoàn với cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong doanh nghiệp về công tác tuyên truyền phổ biến chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế chưa thực sự đầy đủ, chưa tương xứng với tầm quan trọng của công tác này; việc huy động nguồn lực cho công tác tuyên truyền chưa được tiến hành đồng bộ và rộng khắp. Đội ngũ cán bộ công đoàn thực sự am hiểu về chính sách pháp luật Bảo hiểm xã hội,Bảo hiểm y tế, BHTN còn hạn hẹp, kiêm nhiệm. Việc giải quyết các chế độ, quyền lợi của người lao động đôi lúc chưa kịp thời cũng là một trong những nguyên nhân người lao động chưa thật sự mặn mà với các chính sách bảo hiểm.
Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21 còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị xã hội… sau 5 năm triển khai Nghị quyết 21 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
THÚY HỒNG