Những năm gần đây, Nhị Trường đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 135, dự án, đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề lao động nông thôn, vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo… Theo đó, với diện tích đất nông nghiệp, ngoài gieo trồng cây lúa, cây bắp giống, Nhị Trường đã phát triển các loại hoa màu trái mùa để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Cùng với đó, xã thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là đàn bò. Hiện nay, đàn bò của xã đã nâng lên 3.297 con.
Ông Trần Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường cho biết: “Những tháng đầu năm 2017, Nhị Trường tiếp tục phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, các ngành đoàn thể hỗ trợ vốn ưu đãi cho 83 hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất với tổng số vốn hơn 1,5 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ trên 170 triệu đồng cho 8 hộ thoát nghèo; tạo điều kiện giúp 50 hộ nghèo được vay vốn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo”.
Nhờ nỗ lực phát triển kinh tế, nông dân Nhị Trường mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, với nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao đã và đang được nhân rộng. Nhiều hộ đã nhanh chóng vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu, đồng thời giúp đỡ những hộ xung quanh cùng phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như gia đình nông dân Thạch Ly Xin, ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường từ hộ nghèo khó đã vươn lên thoát nghèo nhờ được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bên rẫy bắp của gia đình, nông dân Thạch Xuân Ri, ấp Bông Ven, xã Nhị Trường phấn khởi nói: Trước đây, hầu hết người dân ở vùng đất này chỉ độc canh cây lúa, việc tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. Từ khi HTX ra đời, gia đình ông Ri và nông dân tham gia HTX không lo đầu ra nữa. Đặc biệt từ khi HTX liên kết với công ty đầu tư giống, kỹ thuật, phân, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm bắp giống, lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với độc canh cây lúa. Vụ bắp giống năm 2017, được HTX và công ty bao tiêu bắp giống loại SSC7 trên diện tích 0,5ha, giá 7.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 30-40 triệu đồng/ha.
Đến thăm gia đình ông Thạch Mẫn, hộ dân có diện tích trồng lúa khá nhiều ở ấp Ba So, xã Nhị Trường, thu nhập từ 50-80 triệu đồng/năm. Ông Thạch Mẫn tâm sự: “Ở Nhị Trường, kinh tế của người dân luôn trông chờ vào cây lúa, những năm qua, được Nhà nước hỗ trợ chính sách cho người trồng lúa, lại được HTX hỗ trợ đầu vào, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, năng suất và chất lượng lúa ngày càng tăng cao từ 4 tấn/ha lên 6-7 tấn/ha, còn thu mua sản phẩm sau thu hoạch theo giá thị trường nên nông dân yên tâm trồng lúa”.
Song song đó, Nhị Trường đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều nội dung và hình thức phong phú, nhất là công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện khá sâu rộng trong vùng đồng bào Khmer gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới đã góp phần đáng kể trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Sau 6 năm xây dựng nông thôn mới Nhị Trường đã đạt 12 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,5 triệu đồng, hộ nghèo giảm xuống còn 16,2% (tiêu chí đa chiều), nhà kiên cố và bán kiên cố đạt trên 80%; 97% hộ sử dụng điện quốc gia, có 86% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; có gần 97% hộ dân được công nhận gia đình văn hoá.
Trước đây, Nhị Trường là vùng đất từng nghèo nhất nhì tỉnh Trà Vinh. Từ khi được hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ, bộ mặt nông thôn mới khởi sắc, nhiều tuyến đường nhựa được bê-tông trải về các ấp phum sóc, nhiều ngôi nhà ngói mới mọc lên, những cánh đồng hoang xưa nay đã được phủ xanh bởi những nương rau, rẫy bắp, ruộng lúa đã và đang đem lại nguồn thu đáng kể góp phần giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với bà con người dân tộc Khmer đã đi vào cuộc sống, nâng cao niềm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, bà con hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng phum sóc làng quê phát triển.
PHƯƠNG NGHI