Chủ động chống rét, bảo vệ đàn vật nuôi
Toàn xã Phúc Khoa (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) có 937 hộ chăn nuôi gia súc. Trong đợt rét đậm rét hại gây băng giá nhiều nơi trong những ngày vừa qua, mặc đàn gia súc vẫn được bảo vệ bởi 100% số hộ có chuồng trại, dự trữ thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn, gồm: Rơm rạ, cỏ, thân cây chuối, thức ăn tinh... Với 8,835ha cỏ voi trên địa bàn tỉnh và nhiều diện tích trồng ngô của bà con nên nguồn thức ăn cho gia súc luôn đảm bảo.
Chị Nguyễn Thị X - người có đàn gia súc khá lớn chia sẻ: Ngay từ đầu mùa gặt, UBND xã đã ban hành văn bản chỉ đạo các bản thực hiện nghiêm việc tuyên truyền hộ chăn nuôi tích trữ rơm rạ cho gia súc, đặc biệt là thu gom rơm và trồng cỏ, gia đình chị cũng chủ động sửa chữa, gia cố lại chuồng trại, nên đợt rét hại vừa qua đàn gia súc vẫn ổn định.
Tại xã Dào San (huyện Phong Thổ - Lai Châu), hiện có tổng đàn gia súc 5.695 con, trong đó trâu 1.391 con, bò 130 con, còn lại là lợn và dê. Tính đến 17 giờ ngày 11.1, mưa rét làm chết 1 con trâu và 3 con nghé. Đối với xã Tung Qua Lìn có đàn gia súc 790 con, trong đó đàn trâu 375 con, còn lại là lợn, đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra tình trạng gia súc bị chết rét.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, đối với diện tích cây trồng, hiện nay băng giá chưa tan hoàn toàn nên chưa đánh giá được mức độ thiệt hại. Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, do đã quen với các đợt rét buốt, băng giá hàng năm vào mùa đông, hầu hết người dân vùng núi cao đã khá ý thức về vấn đề bảo vệ sức khỏe, tài sản (vật nuôi, cây trồng). Đối với những ngày nhiệt độ xuống thấp, những hộ kinh doanh lớn biết thắp đèn sưởi cho cây, hoa; che chắn chuồng trại, tăng cường lượng thức ăn trong những ngày giá rét.
Công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi cũng được các địa phương ở Yên Bái đặc biệt chú ý, gia súc chăn thả tự do hoặc nuôi trên núi đã được khẩn trương đưa xuống vùng thấp hoặc về chuồng để tránh rét.
Ông Nguyễn Văn Hòe - Trưởng phòng NNPTNT huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Đẩy mạnh công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn huyện Trạm Tấu, phòng đã tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo trực tiếp các thành viên Ban ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - TKCN huyện, tổ công tác của huyện ủy cùng các xã, thị trấn đến từng thôn bản để kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc bà con thực hiện chống rét hiệu quả”.
Để hỗ trợ bà con, trong những ngày rét đậm nhất, băng giá xuất hiện tại nhiều nơi, đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai đã kiểm tra công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc tại huyện vùng cao Si Ma Cai và Mường Khương. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các hộ chăn nuôi đã thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc như che chắn chuồng trại, vệ sinh nền chuồng khô ráo, dự trữ thức ăn...
Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 8-11.1, đến chiều 11.1 trên địa bàn tỉnh đã có 34 con gia súc bị chết và một số diện tích rau, màu các loại bị ảnh hưởng do băng giá. Để sớm đánh giá chính xác thiệt hại và có phương án khắc phục, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, thống kê báo cáo thiệt hại do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đối với cây trồng, vật nuôi chính xác, lập hồ sơ, đề xuất phương án hỗ trợ, khắc phục với UBND tỉnh.
Các tỉnh miền Trung vừa trải qua đợt lũ lụt lịch sử với những thiệt hại nặng nề. Để động viên bà con chống rét cho vật nuôi, cây trồng, đích thân Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp làm việc tại Thừa Thiên-Huế và yêu cầu, các địa phương phải chủ động thực hiện các hoạt động cụ thể về phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc.
Đồng thời, cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng chống đói, rét, nhất là ở các địa phương vùng cao, nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. “Quy mô đàn gia súc từ Thừa Thiên-Huế trở ra phía Bắc là hơn 1,9 triệu con trâu, 2 triệu con bò, 40 nghìn con ngựa, 1,2 triệu con dê cừu quy mô là rất lớn. Riêng số trâu bò ở khu vực này chiếm đến 47,6% tổng số đàn trâu bò của cả nước. Thiệt hại là điều khó tránh khỏi nếu không có những giải pháp chặt chẽ về kỹ thuật và chủ động trong thực hiện, “không để mất bò mới lo làm chuồng” lúc đó khắc phục là rất khó khăn” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
Hỗ trợ theo mức quy định
Tại Lào Cai, theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Bát Xát, nếu tình trạng băng giá, tuyết phủ kín trong thời gian dài, thì phần lớn trong diện tích 75ha rau màu sẽ bị chết, thiệt hại ước tính gần 3 tỉ đồng. Hiện nay, BCĐ PCTT huyện Bát Xát vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn thành lập tổ công tác xuống các thôn, bản kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi và cây trồng.
TS Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Băng giá cũng là hình thái thiên tai nên có thể áp dụng mức hỗ trợ cho người dân khi đàn gia súc chăn nuôi bị thiệt hại. Cơ sở hỗ trợ tính theo Nghị định số 02/2017-NĐ-CP, cây trồng, vật nuôi của người dân bị thiệt hại do thiên tai sẽ được thống kê và hỗ trợ theo từng chủng loại.
Đối với gia súc, gia cầm đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000-20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000-35.000đồng/con; lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 đồng - 1 triệu đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2 triệu đồng/con; bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1-3 triệu đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3,1-10 triệu đồng/con; trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000đồng đến 2 triệu đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2,1 triệu đến 6 triệu đồng/con; hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 1 triệu - 2,5 triệu đồng/con.
Đối với cây trồng, tùy chủng loại và tỉ lệ bị thiệt hại để tính mức đền bù, diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha...
Hiện nay, các địa phương đang thống kê thiệt hại báo cáo về Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương về PCTT và có phương án hỗ trợ cụ thể.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, tính đến 7 giờ ngày 12.1.2021, thiệt hại ban đầu do rét đậm, rét hại tại các địa phương như sau:
Về chăn nuôi: 148 con trâu, 79 con bò, 1 con lợn, 1 con ngựa, 11 con dê bị chết (Cao Bằng: 7 trâu; Lào Cai: 45 trâu; Điện Biên: 63 trâu, 28 bò; Sơn La: 33 trâu, 51 bò, 1 lợn, 1 ngựa, 11 dê).
Về trồng trọt: 93ha rau màu, 1.050 chậu địa lan của tỉnh Lào Cai bị thiệt hại.