Tính từ đầu khóa đến nay, bên cạnh 6 kỳ họp thường xuyên, Quốc hội khóa XV đã tiến hành 5 kỳ họp bất thường. Giống như 4 lần trước, kỳ họp bất thường lần thứ năm (diễn ra từ 15 - 18/1/2024) tiếp tục có nhiều điểm đặc biệt, nổi bật là Quốc hội đã thông qua những quyết sách quan trọng, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi).
Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt, trách nhiệm, sự cẩn trọng của Quốc hội đối với dự án luật này - một dự án luật đầu tiên được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 18/1/2024, dự án luật đã được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.
Như Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Bộ luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Một điểm nhấn là, trong 260 Điều của Luật Đất đai (sửa đổi) có 15 Điều quy định trực tiếp đối với đồng bào DTTS. Các nội dung quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, về địa bàn, đối tượng, nội dung chính sách, nguồn vốn thực hiện và trách nhiệm thực hiện của Nhà nước trong bộ luật đã được bổ sung cụ thể, rõ ràng.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trong Luật Đất đai (sửa đổi) được thể hiện rõ tại Điều 16, quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS. Nếu như Điều 27 - Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định chung chung bằng 2 Khoản thì trong Điều 16 bộ luật sửa đổi lần này quy định cụ thể, chi tiết với 9 Khoản; trong đó Khoản 2 có 5 điểm, Khoản 3 có 2 điểm.
Các quy định tại Điều 16 cùng với các khoản được quy định tại các điều khác của Luật Đất đai (sửa đổi) là một bước đột phá trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS. Trước mắt, quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Dự án 1, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Thực tế, qua giám sát của Quốc hội về Chương trình MTQG 1719 cho thấy, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS thuộc Dự án 1 vẫn rất khó thực hiện. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hết năm 2023, công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS là một trong 3 nhóm mục tiêu chưa hoàn thành của Chương trình. Một trong những nguyên nhân là nhiều địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho hộ nghèo nên không thực hiện giải ngân được vốn đã giao...
Những vướng mắc này được tháo gỡ tại Luật Đất đai (sửa đổi) khi quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm qũy đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS. Khoản 29 – Điều 79 của luật quy định rõ, Nhà nước sẽ thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào DTTS theo quy định.
Theo lộ trình, gần một năm nữa, Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Nhưng với việc Quốc hội khóa XV thông qua bộ luật trước thời điểm Tết Nguyên đán đang “gõ cửa” từng nhà đã đem lại niềm phấn khởi cho đồng bào cử tri cả nước, trong đó có hơn 14,2 triệu đồng bào các DTTS. Từ nay đến khi luật có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2025), Chính phủ cần sớm cụ thể hóa quy định của luật, ban hành các chính sách cụ thể đối với đồng bào DTTS. Đây cũng là điều kiện để thực hiện nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, từ đó thúc đẩy hoàn thành mục tiêu Chương trình MTQG 1719.