Gác lại tình riêng ra nơi đầu sóng
Để đất nước trọn niềm vui ngày Quốc khánh, nhiều cán bộ chiến sĩ (CBCS) Nhà giàn DK1 đã gác lại chuyện riêng tư, gia đình để chuyên tâm canh biển. Một trong những hoàn cảnh khó khăn là hậu phương của Thượng úy Đinh Văn Đồng (gia đình riêng ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), có con trai bị bệnh viêm da cơ, một trong những bệnh hiểm nghèo không có khả năng cứu chữa.
Thượng úy Đồng quê ở Yên Thành Nghệ An. Ngày anh lên tàu đi DK1 hôm trước thì hôm sau con trai anh là Đinh Hùng Quân vào viện cấp cứu vì suy hô hấp do biến chứng viêm da. Đồng lương ít ỏi của vợ chồng Thượng úy Đồng chưa đủ mua cho mình mảnh đất để làm nhà mới. Do điều kiện khó khăn chưa có nhà ở, Thượng úy Đồng dọn về ở tạm nhà cha mẹ vợ. Sau những ngày tháng bám biển, niềm hạnh phúc của họ gói gọn trong căn phòng nhỏ của gia đình cha mẹ vợ. Vậy mà người lính ấy vẫn lạc quan yêu đời, hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị giao phó.
“Đã là người lính thì chấp nhận hy sinh. Biết ở hậu phương vợ khó nhọc, con bệnh, nhưng nhiệm vụ đơn vị giao phải hoàn thành tốt. Đây là thời gian vượt khó và tỏ rõ bản lĩnh của mình” - Thượng úy Đồng chia sẻ.
Còn với Thiếu tá Phạm Thành An, nhân viên báo vụ ở Nhà giàn DK1/2, 16 năm qua, mẹ anh (bà Lê Thị Tâm) nằm trên giường bệnh vì căn bệnh bại liệt biến chứng. Trong khi đó, đứa con gái đầu lòng của anh mang trong người căn bệnh rò tủy bẩm sinh. Hơn hai mươi năm đi nhà giàn, gom góp mãi Thượng úy An vẫn chưa mua cho riêng mình căn nhà nhỏ. Vợ anh, chị Phan Thị Tâm không có việc làm ổn định, tiền ăn uống, đóng học cho con cứ thiếu trước hụt sau.
Ở ngoài Nhà giàn DK1, Thiếu tá An thường xuyên gọi điện về động viên vợ vượt khó nuôi con và không ít lần nghe tiếng vợ nghẹn ngào trong điện thoại. Con gái Huyền My của anh cứ hỏi mẹ sao cha đi lâu thế. Lúc đó, anh nén lòng nói với con hoàn thành nhiệm vụ sẽ về. Gọi điện về từ nhà giàn, nghe rõ tiếng anh lẫn tiếng sóng biển ầm ào: “Mặc dù gia đình còn khó khăn nhưng tôi luôn xác định tốt nhiệm vụ. Nhiệm vụ của đơn vị giao phải hoành thành trước, sau đó mới đến hậu phương. Chỉ có những người ở biển mới biết tình yêu mình dành cho biển sâu đậm thế nào. Tất nhiên ở nhà giàn thiệt thòi, gian khổ, nhưng đó là nghĩa vụ thiêng liêng. Nếu ai cũng chọn cuộc sống thanh bình bên vợ con thì lấy ai bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, An trải lòng chia sẻ.
Không thể không kể ra đây tinh thần vượt khó của Trung tá chuyên nghiệp Bùi Đình Dong. Vợ chồng lấy nhau hơn 20 năm, nhưng tính thời gian anh gần vợ gói gọn chưa đầy 2 năm. Niềm mong mỏi có một đứa con luôn cháy bỏng trong tim người vợ trẻ, vượt gần 2 ngàn cây số vào thăm chồng còn cốt để kiếm đứa con. Nỗi niềm của người vợ cứ thấp thỏm âu lo đợi chờ kết quả sau những đêm tình yêu ngắn ngủi. Ngày anh Dong lên tàu đi biển cũng là ngày chị bắt xe đò ra Bắc, đem theo nỗi niềm cô quạnh khi những ngày gần chồng chẳng đem lại kết quả. Nỗi chờ mong đứa con lớn dần theo ngày tháng.
Dẫu gặp nhiều khó khăn trong việc sinh con, nhưng nhiều năm qua Trung tá Dong luôn là cán bộ gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua của Tiểu đoàn DK1.
Vững chắc tay súng, canh giữ chủ quyền
Để đất liền có những giờ phút vui ngày Quốc khánh 2/9 trọn vẹn, CBCS 15 “pháo đài thép” giữa ngàn khơi đang ngày đêm căng mình với nắng gió và thời tiết khắc nghiệt, luyện tập các phương án chiến đấu, quan sát mặt biển, phát hiện mục tiêu và mời những con tàu “không mời mà đến” ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1:
Được canh trời giữ biển để nhân dân cả nước trọn niềm vui trong ngày Tết độc lập 2/9 không chỉ là sứ mệnh của người lính, mà còn thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân. Càng ở nơi khó khăn gian khổ, càng giữ vững niềm tin và chí khí chiến đấu, quyết không để bất ngờ trong mọi tình huống.
Tại Nhà giàn DK1/20, Thiếu tá Trần Văn Thân, chỉ huy trưởng cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được tăng cường. “Những ngày này tàu thuyền nước ngoài hoạt động nhiều, việc tăng cường huấn luyện, nêu cao cảnh giác phát hiện mục tiêu từ xa được thực hiện tăng cường. Tổ chức trực canh 24/24, trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Thiếu tá Thân cho biết.
Tại Nhà giàn DK1/10, các phương án huấn luyện chống biệt kích người nhái xâm nhập được triển khai theo kế hoạch. Đại úy Trần Ngọc Xuân, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10 chia sẻ, ngoài huấn luyện theo kế hoạch ban ngày, cán bộ chiến sĩ ở nhà giàn này tổ chức huấn luyện đêm chống biệt kích người nhái đột nhập nhà giàn. Do DK1/10 là nhà giàn đóng quân trên vùng biển tiếp giáp Malaysia và Philipine, nên việc nêu cao cảnh giác, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh đều được triển khai nghiêm ngặt, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Trong khi ở đất liền hàng trăm CBCS khung dự trữ miệt mài huấn luyện để chờ tàu đi biển, thì ở ngoài biển các nhà giàn DK1 đẩy mạnh hoạt động phong trào thi đua sôi nổi chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9. Nếu ở Nhà giàn DK1/2 có phong trào “Phát hiện mục tiêu nhanh, xử lý tình huống tốt” thì ở Nhà giàn DK1/19 có phong trào thi đua “Vượt nắng gió, khó không sờn, vững tay súng, kiên cường bám biển”; Nhà giàn DK1/10 có phong trào “Rèn cán, luyện binh, quên mình vì Tổ quốc”; Nhà giàn DK1/21 có phong trào “Giúp ngư dân bám biển vươn khơi”; Nhà giàn DK1/15 có phong trào “Noi gương anh bám biển giữ nhà giàn”… Tất cả CBCS Tiểu đoàn DK1 thấm nhuần tư tưởng “Vui Quốc khánh vững tay súng, bảm đảm an toàn, nêu cao cảnh giác”.
Hơn một năm tuổi quân cũng ngần ấy thời gian làm nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1/10, Hạ sĩ Trương Đình Liên là chiến sĩ trẻ nhất trong nhiều chiến sĩ ở nhà giàn. Niềm tự hào của người lính trẻ được nhân lên khi trái tim anh cảm nhận được nghĩa vụ thiêng liêng của người lính biển thời bình.
Chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại từ “chân trời Tổ quốc”, Hạ sĩ Liên xúc động nói về cảm nghĩ của mình: “Lần đầu được sống trong không khí Ngày Quốc khánh giữa biển khơi, tôi cảm thấy trách nhiệm lớn lao, tự hào, vinh dự. Tôi luôn cảm thấy mình vinh dự vì được cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Thời gian công tác ở nhà giàn không còn bao lâu nữa, nhưng đó là những ngày đẹp đẽ và ý nghĩa nhất đối với tôi. Tôi thấy mình kiên cường, trưởng thành rất nhiều khi góp một phần nhỏ bé công sức cho đơn vị”.
Cũng tinh thần được cống hiến như hạ sĩ Trương Đình Liên, sĩ quan trẻ Đậu Khắc Tuấn ở Nhà giàn DK1/12 chia sẻ: “Sống ở nhà giàn rất gian khổ, nhưng chính điều đó đã giúp tôi trưởng thành và có bản lĩnh. Những năm tháng ở nhà giàn đã ngấm vào máu thịt. Nhưng điều thiêng liêng hơn là tôi cảm nhận được tình yêu của mình dành cho biển, cho nhà giàn DK1. Hơn 10 năm ở nhà giàn, bao lần mất ngủ vì nhớ đất liền, vì căng mắt theo dõi mục tiêu lạ trên biển, song nó đã trở thành bình thường. Điều quan trọng là mình được cống hiến, mình sống có lý tưởng, điều đó đẹp đẽ và thiêng liêng”.