Lập nghiệp nơi quê mới
Đến xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa chắc hẳn ai cũng ngỡ ngàng trước thay đổi rõ nét của một vùng đất một thời gian khó. Những con đường bê tông hóa, những mái nhà kiên cố, khang trang… là minh chứng cho sự đồng lòng, đồng sức của người dân và cấp ủy chính quyền trong việc thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, sự phát triển của làng quê ở Tân Lập có sự đóng góp quan trọng của những người dân miền xuôi lên lập nghiệp.
Trong câu chuyện, ông Nguyễn Văn Ân ở thôn Tân Trung, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa kể về những năm tháng khó khăn khi đến khai hoang mở đất trên vùng quê mới. Ông Ân cho biết, cách đây hơn 30 năm, ông cùng một số người đồng hương của mình rời đồng bằng lên Tân Lập xây dựng kinh tế mới. Những ngày đầu, ông và các gia đình trồng sắn, cây bo bo, cà phê để làm ăn sinh sống.
Ông Ân kể, hồi đó, đây là vùng rừng núi cỏ dại, không có đường, không có điện, nước, cuộc sống khốn khó trăm bề. Hơn chục năm đầu tiên, cuộc sống của bà con chỉ tạm đủ đắp đổi qua ngày. Nhiều lúc nản chí, cũng muốn quay trở về quê nhưng nghĩ lại, đã quyết định lên đây lập nghiệp thì phải cố gắng bám trụ. Những năm sau, khi cây cà phê bắt đầu mang lại giá trị kinh tế cao, cuộc sống dần khấm khá, thu nhập ngày càng tăng lên nên ai cũng phấn khởi, quyết tâm gắn bó với mảnh đất này. “Ngoài trồng cà phê, gia đình tôi còn làm trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi, trồng thêm rừng, làm hồ cá để nâng cao thu nhập”.
Khởi sắc quê nghèo
Cũng giống như ông Ân, ông Hoàng Hiền sau hàng chục năm lập nghiệp ở mảnh đất thôn Long Quy, xã Tân Long cũng đã tạo dựng được cơ ngơi kinh tế khấm khá. Cách đây 2 năm, ông mạnh dạn đầu tư hơn 900 triệu đồng mở rộng trang trại trên đất của gia đình với diện tích hơn 1ha, nuôi hơn 20 con lợn nái, 150 lợn thịt, 800 gà, vịt thả vườn và một ao cá các loại. Đến nay, thu nhập từ trang trại sau khi trừ các chi phí mang lại cho gia đình ông khoảng 300 triệu đồng/năm.
“Tôi thật sự biết ơn vùng đất này đã cho gia đình tôi có cuộc sống tốt đẹp như hôm nay. Cũng như nhiều gia đình khác lên đây lập nghiệp, gia đình tôi luôn cố gắng để làm ăn khấm khá, nuôi dạy con nên người và đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Hiền nói.
Sau nhiều năm lăn lộn nơi vùng núi xã A Dơi, ông Lê Hữu Sáng ở thôn Tân Hải, đã xây dựng thành công xưởng chế biến mủ cao su cho thu nhập cao. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với mức lương gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Sáng cho biết: Gia đình ông rời quê Hải Lăng lên lập nghiệp ở xã A Dơi cách đây gần 30 năm. Hồi đó, ở vùng quê chiêm trũng cuộc sống khổ cực quá, làm chẳng đủ ăn nên nhiều gia đình tìm kiếm vùng đất mới để tạo dựng cuộc sống. Nhiều người chọn đi miền Nam, nhưng gia đình ông thì chọn lên mảnh đất A Dơi này.
Biết là sẽ rất cơ cực, vất vả nhưng với khát vọng đổi đời trên chính quê hương Quảng Trị nên quyết tâm lắm. Hồi đầu gia đình ông trồng sắn, sau này trồng cà phê, cao su… Cứ lấy ngắn nuôi dài như vậy rồi cuộc sống cũng khá lên. “Mới đây, gia đình tôi đầu tư 1 tỷ đồng để mở cơ sở chế biến mủ cao su, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa giúp bà con tiêu thụ sản phẩm mủ cao su tươi thuận tiện hơn”.
Mảnh đất Hướng Hóa ngày nay đã thay đổi diện mạo, ngày càng khởi sắc. Ngoài “phố núi Khe Sanh”, “đô thị vàng Lao Bảo” mang dáng dấp phố thị hiện đại, sầm uất thì những miền đất trù phú khác như vùng Lìa, Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Long, Tân Lập… cũng mang màu sắc tươi mới đầy sức sống.
Có được những thành quả đó, ngoài chính sách, sự đầu tư đúng hướng của Đảng, Nhà nước, các chương trình, dự án, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, còn có sự đóng góp không nhỏ của những hộ di dân phát triển kinh tế mới.
MINH THỨ - HIẾU GIANG