Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, tình hình sử dụng môi trường rừng của các doanh nghiệp trồng sâm trên địa bàn tỉnh và tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để xem xét, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm (theo Quyết định chủ trương đầu tư và hợp đồng cho thuê môi trường rừng trồng sâm).
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Nam Trà My khẩn trương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc trồng và chế biến, tiêu thụ Sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định, tránh tình trạng sâm giả, các hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp theo phản ánh của báo chí thời gian vừa qua.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT chủ trì rà soát diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng hiện đang trồng sâm để xem xét, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh diện tích, loại rừng cho phù hợp quy định và phải được tổng hợp, cập nhật vào nội dung điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Nam sau khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được phê duyệt.
Riêng đối với trường hợp diện tích rừng trồng Sâm Ngọc Linh đã giao cho hộ dân thuê: căn cứ quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ, Sở NN&PTNT đề xuất cho phép thí điểm cho người dân trồng sâm dưới tán rừng đặc dụng để đảm bảo sinh kế gắn với quản lý, bảo vệ rừng; tham mưu UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Bộ NN&PTNT để làm căn cứ xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi thực hiện.