Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tỉnh Bình Dương cần chuẩn bị thêm kịch bản ứng phó trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hơn; trước mắt phải cấp bách mở rộng năng lực giường điều trị bệnh. Mục tiêu của tỉnh là tập trung các biện pháp xét nghiệm, sàng lọc, kiểm soát được các ổ dịch tại doanh nghiệp, các khu trọ công nhân; tổ chức tốt hoạt động "3 tại chỗ" tại doanh nghiệp để duy trì sản xuất...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý những kiến nghị của tỉnh Bình Dương về bổ sung trang thiết bị y tế trong điều kiện cấp bách hiện nay về phòng, chống dịch; yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thêm đội ngũ y, bác sĩ giỏi cho Bình Dương và bổ sung máy thở, thiết bị y tế cần thiết để sẵn sàng tham gia cứu chữa bệnh nhân theo kiến nghị của tỉnh. Phó Thủ tướng lưu ý, tỉnh Bình Dương cần đặc biệt chú trọng công tác chăm lo sức khỏe, hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Báo cáo với Đoàn công tác Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư tới nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 3.303 ca mắc COVID-19 liên quan đến cộng đồng. Bình Dương hiện có 10 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với 2.721 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 62 bệnh nhân đang diễn tiến nặng. Lũy kế đến nay có 300 bệnh nhân khỏi bệnh, 8 trường hợp tử vong. Toàn tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp để duy trì "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế chi viện thêm khoảng 200 bác sĩ, 250 điều dưỡng, hỗ trợ 50 máy thở. Tỉnh đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn trong công tác xử lý dịch trong khu công nghiệp; hỗ trợ về trang thiết bị, máy thở và nhân lực; test xét nghiệm trong trường hợp dịch xảy ra trên diện rộng, số lượng người nhiễm tăng cao.
Phân tích về tình hình dịch bệnh tại địa bàn Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, qua số liệu cho thấy số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Bình Dương hiện xấp xỉ bằng 1/10 số ca tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, phương pháp áp dụng cho phòng, chống dịch tại Bình Dương cần làm như cách TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện.
Nâng cao công suất sản xuất khí oxy điều trị bệnh nhân COVID-19
Trước đó, sáng 20/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đoàn công tác đến thăm, kiểm tra mô hình “3 tại chỗ” tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yazaki EDS Việt Nam (thành phố Dĩ An); Khu điều trị COVID-19 ở phường Phú Chánh (thị xã Tân Uyên) và Công ty Cổ phần khí đặc biệt Việt Nga (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2A, thị xã Tân Uyên).
Đáng chú ý, tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần khí đặc biệt Việt Nga - đơn vị chuyên sản xuất các loại khí nén như oxy, nitơ, khí công nghiệp có công suất lớn tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Ban Giám đốc Công ty Việt Nga khẩn trương nâng cao công suất sản xuất khí oxy điều trị bệnh nhân COVID-19 để đáp ứng cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Cũng tại buổi làm việc tại nhà máy sản xuất oxy trên, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nhanh chóng phối hợp với công ty triển khai việc trang bị oxy cho các khu điều trị, bảo đảm kịp thời, đầy đủ oxy trong trường hợp cần thiết.
Qua buổi làm việc, Phó Thủ tướng đề nghị Bình Dương không chỉ bổ sung nguồn lực về y tế, tăng thêm giường bệnh và dự trữ nguồn oxy đầy đủ để đáp ứng điều trị các ca bệnh cho tỉnh, mà nguồn lực này còn dự tính cho cả TP. Hồ Chí Minh. Nếu sau khi dịch bệnh tại địa bàn tỉnh được khống chế, Bình Dương có thể chi viện, hỗ trợ một phần cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực Đông Nam Bộ.