Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong tối nay (ngày 10/11), bão số 12 sẽ đi sâu vào đất liền. Hiện tâm bão số 12 ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định - Ninh Thuận khoảng 70 km; gió cấp 8, 9, giật cấp 11.
Lúc 4h00 sáng nay tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có gió cấp 7, giật cấp 8; An Nhơn (Tỉnh Bình Định) cấp 7, giật cấp 9; Cù Lao Tràm (Tỉnh Quảng Nam) cấp 6. Dự báo, trong 12h tới, bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo cũng cho thấy do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, từ ngày 10-12/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa 200-400 mm/đợt, có nơi trên 450 mm; Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và Tây Nguyên mưa 100-200 mm/đợt. Khu vực từ Bình Định – Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ là khu vực chịu tác động của bão số 12.
Ngoài ra, thông tin của một số đài quốc tế cho biết, phía Đông Philippines, cơn bão số 13 mang tên VAMCO đang hoạt động, dự kiến đi vào biển Đông trong ngày 12/11 với cường độ rất mạnh.
Về tình hình lũ, từ đêm 12/11 đến 13/11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 01 đợt lũ; các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.
Theo thông tin từ cuộc họp, tính đến 6h00 ngày 10/11/2020, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người (hiện tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão).
Các địa phương trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão đã triển khai thực hiện công điện, văn bản của Ban Chỉ đạo về việc ứng phó với cơn bão số 12. Trong đó, 05 tỉnh ban hành lệnh cấm biển (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận). Các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã tổ chức sơ tán 2.784 hộ/8.254 người (Phú Yên: 2.073 hộ/5.709, Khánh Hòa: 711 hộ/2.545 người) tại các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của bão, lũ đến nới an toàn; các tỉnh khác đang tiếp tục rà soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ để tổ chức sơ tán cho phù hợp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương phải tiếp tục tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ sau bão, cũng như chuẩn bị ứng phó với những diễn biến thiên tai phức tạp trong thời gian tới. Chủ động triển khai lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố trên biển, trên đất liền, cũng như hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão, lũ.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an tiếp tục chủ động hỗ trợ các địa phương khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, đặc biệt là tập trung khôi phục lại đường giao thông, trường lớp để tạo điều kiện cho học sinh trở lại trường sớm, tránh ảnh hưởng quá lớn tới chương trình học. Các địa phương cùng với các bộ, ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa…