Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 21/9 cho thấy, hiện toàn thế giới có 597.764.410 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 13.612.472 ca bệnh đang điều trị thì có 13.572.309 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,7%) và 40.163 ca (chiếm 0,3%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 224.983.920 trường hợp, trong đó có 1.916.064 ca tử vong và 219.069.252 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Âu đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới COVID-19, với 170.131 trường hợp. Trong những tháng gần đây, các biến thể phụ BA.4 và BA.5 được xác định là nguyên nhân gây làn sóng dịch COVID-19 tại “lục địa già”.
Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 21/9 là 115.758.327 trường hợp, trong đó có 1.533.748 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 97.581.914 ca nhiễm và 1.079.145 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.
Theo số liệu thống kê, khoảng 400 người vẫn qua đời ở Mỹ vì COVID-19 mỗi ngày. Bên cạnh đó, có tới 23 triệu người Mỹ vẫn đang phải sống chung với COVID-19 kéo dài. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định điểm kết thúc của đại dịch COVID-19 đang ở rất gần, nhưng vẫn chưa tuyên bố nó đã qua đi. Chính vì thế, tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc đại dịch COVID-19 đã qua đi khiến ông hứng chỉ trích từ đảng viên Cộng hòa và một số lãnh đạo y tế công cộng. Họ cho rằng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trước COVID-19. Theo họ, tuyên bố này có thể làm suy yếu nỗ lực của chính quyền ông J.Biden nhằm tìm kiếm thêm nguồn ngân sách từ Quốc hội Mỹ.
Còn tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 7.812 ca nhiễm COVID-19. Tính cho đến nay, khu vực này có tổng số 63.974.000 ca nhiễm và 1.328.481 ca tử vong vì COVID-19.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 188.257.927 trường hợp, với 1.476.569 ca tử vong và 182.100.175 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Á đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm mới, với 161.780 trường hợp. Trước nguy cơ làn sóng COVID-19 mới đang lan nhanh ở châu Á, chính phủ nhiều nước trong khu vực đã lên tiếng khuyến cáo thực hiện các biện pháp tăng cường phòng dịch, gồm cả việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân, nhất là các đối tượng ưu tiên.
Ngày 20/9, Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng biến thể Omicron cho người dân nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch COVID-19. Để thực hiện chương trình tiêm chủng này, Nhật Bản sử dụng vaccine phòng Omicron do các hãng dược phẩm Pfizer Inc. và Moderna Inc. (cùng của Mỹ) bào chế và đã được điều chỉnh để chống lại biến thể BA.1. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã phê duyệt việc sản xuất và bán loại vaccine này ở Nhật Bản hồi tuần trước.
Tính đến sáng 21/9, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Phi lần lượt là 12.636.921 và 257.557 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 4.016.157 ca nhiễm COVID-19 và 102.146 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 1.686 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm phần lớn với 1.628 ca. Hiện khu vực này có tổng số 12.306.065 trường hợp ca mắc COVID-19, với 20.479 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 10.161.241 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 1.769.694 ca./.