Như bao đứa trẻ khác trong làng, khi mới sinh ra ông Thịnh cũng khỏe mạnh, có đôi mắt sáng ngời. Nhưng năm lên 4 tuổi, ông Thịnh bỗng nhiên bị đau mắt, dù bố mẹ đưa ông đi khắp nơi chữa trị nhưng đôi mắt ngày một nặng hơn, cuối cùng thì không nhìn thấy gì.
Kể từ đó, cuộc sống của ông Thịnh ngày cũng như đêm, chìm trong bóng tối. Năm lên 7 tuổi, gia đình cho ông đi học chữ trong các lớp bình dân học vụ, nhưng không nhìn thấy mặt chữ, chỉ biết ngồi nghe thầy cô giảng bài qua lời nói. Dù rất thích nhưng ông cũng phải bỏ dở việc học hành (vì lúc đó chưa có chữ braille dành riêng cho người khiếm thị).
Tuy vậy, ở nhà ông Thịnh phụ giúp gia đình những công việc nhỏ, một ngày thấy cô em gái là bà Nhâm lên rừng chăn trâu, lấy củi, ông Thịnh đã nhất định bắt em gái cho mình theo cùng. Lâu dần thành quen, con đường từ nhà vào bìa rừng gần như ông đã thuộc lòng từng đoạn, nên ông đã tự một mình đi vào rừng mà không cần sự trợ giúp của người thân.
Khi đã quen với công việc lên rừng, ông đã tự mình chặt những cây tre, gỗ rồi mang về nhà, ông mày mò tỉ mỉ chẻ tre đan rổ, thúng... đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Mỗi khi ngôi nhà sàn nhỏ bé của ông bị hư hại do mối mọt thời gian ông trèo lên trên mái nhà sửa lại như một người bình thường.
Cảm phục trước tính cần cù chịu khó ham học hỏi của ông Thịnh, một người con gái xinh đẹp nhất nhì trong làng đã đem lòng yêu thương. Vợ chồng ông Thịnh về sống trong một căn nhà nhỏ do bố mẹ để lại, đứa con duy nhất tên Lê Đình Kết chào đời, cả nhà đã nghèo giờ đây lại có thêm một miệng ăn. Không hề quản ngại gian khó, ông tiếp tục đi rừng hái củi, chặt tre về đan rổ, sọt... bán kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con.
Tuổi ông Thịnh giờ đã cao (70 tuổi), sức khỏe ngày càng yếu, nhưng ông Thịnh vẫn miệt mài, say mê trong công việc. Thấy bà con lối xóm phàn nàn về việc các cháu đi học phải qua một con đường lầy lội khó đi, ông Thịnh thực hiện quyết tâm đào đất làm đường đi học cho các cháu. Ông mày mò cưa xẻ tự làm cho mình một chiếc xe chở đất với bánh xe bằng gỗ, do xe không có vòng bi nên mỗi khi chiếc xe di chuyển phát ra âm thanh “cút kít”, ông đặt luôn cho cái xe gỗ với cái tên xe “cút kít”.
Sau đó, ông đào đất dưới ruộng nhà mình rồi dùng xe “cút kít” chở đất đắp đường. Không ít người chứng kiến cho ông là “bị khùng” bởi người trẻ, người sáng mắt còn không làm được huống chi là ông. Thế rồi ngày qua ngày, con đường dài hơn 100m đã hoàn thành phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp và đi lại của bà con dân bản. Ông Thịnh cười sảng khoái: “Ngày đầu tôi làm xe chở đất đắp đường, người trong làng ai cũng bảo tôi bị khùng, sao có thể làm nổi, nhưng nhờ sự quyết tâm tôi đã đắp được một đoạn đường dài cho bà con lấy lối đi rồi đó”.
Không để con đường xuống cấp, ông thường xuyên duy tu, bảo dưỡng “định kỳ” nên lúc nào cũng phẳng lỳ. Cho dù mùa Hè hay mùa Đông, ông vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả với chiếc xe gỗ chở đầy đất phát ra tiếng kêu “cút kít” khiến cho người dân trong thôn Ngọc Thượng ai cũng cảm phục và biết đến việc làm đầy ý nghĩa của ông.
Ông Nguyễn Hữu Thảng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lương Sơn khi nói về ông Thịnh với sự cảm phục sâu sắc: Ông Lê Đình Thịnh không may bị mù từ bé. Dù là người có hoàn cảnh không may mắn nhưng lại là một người có tấm lòng cao cả và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
DOÃN KIÊN