Theo Trung tâm Giảm nhẹ nguy cơ địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG), vụ phun trào đã tạo nên những đám mây tro bụi xám trắng dày đặc. Những cột tro bụi cao tới 2km cũng có thể được quan sát thấy từ xa.
Cơ quan này cũng cảnh báo người dân gần núi lửa không tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong bán kính 5km kể từ vị trí phun trào của núi lửa, đồng thời giữ khoảng cách 500m với các bờ sông, nhằm đề phòng rủi ro từ các dòng dung nham.
PVMBG cũng yêu cầu người dân không nên có bất kỳ hoạt động nào trong vòng 13km về phía đông nam của trung tâm vụ phun trào.
Đầu tháng này, Semeru, ngọn núi cao nhất Java cũng đã thức giấc, phun trào những đám mây tro bụi khổng lồ và dung nham nóng chảy, khiến ít nhất 46 người thiệt mạng và nhiều người vẫn mất tích, trong khi hàng nghìn người khác phải di dời khẩn cấp.
Với 142 ngọn núi lửa, Indonesia hiện là quốc gia có dân số lớn nhất trên toàn cầu sống trong phạm vi gần núi lửa, với 8,6 triệu người sinh sống trong phạm vi 10km quanh các khu vực nhiều nguy cơ này.