HTX Nông nghiệp An toàn Chiềng Hặc (Yên Châu, Sơn La), là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Từ những mô hình kinh tế hộ, các thành viên trong HTX đã liên kết sản xuất theo quy trình nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An toàn Chiềng Hặc cho biết, HTX phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây xoài với diện tích 14,4ha. Trong đó, diện tích cây xoài chăm sóc là 7ha. Để chất lượng và mẫu mã quả xoài đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường, Hợp tác xã đã ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn như: sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, đảm bảo đúng loại thuốc được phép sử dụng cũng như thời gian cách ly, 100% diện tích xoài cho quả được sử dụng túi bảo quản.
Nhờ đó, năm 2018, sản lượng xoài của Hợp tác xã đạt 150 tấn. Trong đó, 3 tấn xoài tượng da xanh xuất khẩu sang thị trường Australia và 13,4 tấn xoài xuất sang thị trường Trung Quốc. Năm 2018, Hợp tác xã thu hoạch đạt trung bình hơn 250 triệu đồng/ha.
Hay Công ty TNHH MTV Thanh Tùng đã liên kết với Công ty Cổ phần nông nghiệp Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn) xuất khẩu nhãn, xoài sang thị trường Trung Quốc. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất đi, Công ty cử cán bộ kỹ thuật, trực tiếp đến tận nơi giám sát, hướng dẫn bà con cách thu hái, vận chuyển và đóng gói theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu. Nhờ đó, các nông sản mà Công ty xuất đi được bạn hàng đánh giá cao. Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, năm 2018, Sơn La có sản lượng quả ước đạt 17,5 nghìn tấn, trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như: xoài xuất khẩu sang thị trường Austrlia, Trung Quốc, Nhật Bản...; nhãn tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ…; chanh leo xuất sang thị trường Trung Quốc, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan...
Theo ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản là một trong những giải pháp được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó xuất khẩu được xác định là khâu đột phá. Tỉnh luôn tạo môi trường thuận lợi và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để các nhà máy chế biến nông sản được đầu tư trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng ngân sách địa phương.
Để hỗ trợ các mặt hàng nông sản phát triển bền vững, Sơn La còn ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển hàng hóa an toàn, chất lượng, quy mô, sản lượng đủ lớn để đáp ứng hàng xuất khẩu; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến và bảo quản nông sản, tổ chức cấp mã vùng trồng mới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, như: cà phê Sơn La, nhãn hiệu chứng nhận bơ, mận Mộc Châu…
Thời gian tới, tỉnh Sơn La xác định tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông sản theo yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, sản xuất gắn chặt với chế biến và tiêu thụ. Trong đó, tỉnh Sơn La xác định xuất khẩu là giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản quan trọng, tạo tác động tương hỗ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các thị trường.
HOÀNG QUÝ