Đem vinh quang về cho Tổ quốc
Tối 8/10, hàng triệu trái tim cả nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài như vỡ tung bởi tinh thần thi đấu ngoan cường của những cô gái “Vàng” của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Vượt qua nỗi đau chấn thương cùng một thể trạng đã bị bào mòn qua từng trận đấu, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã thắng đội tuyển nữ Thái Lan 1-0 để dành chức vô địch môn bóng đá nữ tại SEA Games 30; qua đó vượt qua chính Thái Lan để trở thành đội có nhiều lần đăng quang ngôi “Hậu” tại sân chơi này (6 lần).
Trong đội hình thi đấu của đội tuyển nữ Việt Nam tối 8/12, sự lăn xả của hậu vệ Chương Thị Kiều, sinh năm 1995, dân tộc Khmer (quê Kiên Giang) là một nét khắc chạm sâu đậm vào tâm khảm người xem. Bước vào trận đấu với những vết thương chưa lành, Kiểu vẫn thi đấu lăn xả; trong trận đấu, khi đùi rớm máu, cô vẫn đá ngoan cường, “tiếp lửa” cho đồng đội.
Và sau trận chung kết, người hâm mộ tự hào gọi cô là “chiến binh”. Nhưng khi chia sẻ với truyền thông, Chương Thị Kiều trả lời rất giản dị: “Lúc bị thương thấy chị em hô hào thì cảm thấy nhiều động lực. Khi ấy, tôi nghĩ không thể bỏ đồng đội mà đi ra ngoài được”.
Đây cũng là tinh thần của tất cả các vận động viên (VĐV) là người DTTS tham dự SEA Games 30. Đó là một Trương Thị Phương Nguyên, dân tộc Sán Dìu, đầy quyết tâm để dành Huy chương Vàng ở bộ môn canoeing (bơi thuyền). Vào chiều ngày 6/12, ở nội dung chung kết nội dung 500 mét thuyền đơn canoeing, mặc dù vấp phải sự bám đuổi quyết liệt từ VĐV người Indonesia Andriyani Riska, nhưng Trương Thị Phương Nguyễn đã xuất sắc cán đích ở vị trí đầu tiên để giành Huy chương Vàng, hơn Andriyani Riska đúng 0,310 giây.
Đó là Lộc Thị Đào, dân tộc Tày, VĐV bộ môn bắn cung, luôn vượt lên chính thành tích của mình. Tại SEA Games 30, Đào đạt 3 Huy chương Vàng; hiện cô vẫn là cung thủ giành nhiều Huy chương vàng nhất của đội tuyển bắn cung Việt Nam…
Và khi dành được “Vàng”, điều mà các VĐV nghĩ đến đầu tiên là vinh quang của Tổ quốc. Như chính VĐV Hoàng Thị Duyên, dân tộc Giáy, Huy chương Vàng môn cử tạ, đã bật khóc khi Quốc ca Việt Nam vang lên. Hình ảnh này đã gây ấn tượng mạnh với nhiều khán giả xem truyền hình.
“Khi hát Quốc ca, em bồi hồi và xúc động quá nên nước mắt cứ rơi”, Hoàng Thị Duyên chia sẻ sau khi nhận huy chương Vàng SEA Games 30.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Những chàng trai, cô gái “Vàng” người DTTS đã góp công lớn vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30. Trước khi SEA Games 30 chính thức bế mạc (chiều ngày 11/12), tính đến đầu giờ chiều ngày 10/12, Đoàn Thể thao Việt Nam đã dành 85 Huy chương Vàng, vượt 25 huy chương so với chỉ tiêu được giao trước khi đoàn xuất quân.
Những tấm Huy chương Vàng của Đoàn Thể thao Việt Nam dành được đang “tiếp lửa" cho những chàng trai đội U22 Việt Nam ra quân tại trận chung kết với đội U22 Indonexia vào tối 10/12. Sau 10 năm (tính từ năm 2009), tại sân chơi SEA Games, đội tuyển Việt Nam mới vào chơi một trận chung kết. Và đây cũng là giấc mơ của hàng triệu trái tim hâm mô Việt Nam sau 60 năm chờ đợi.
Trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ giành lấy tấm Huy chương Vàng môn bóng đá nam của người hâm mộ, các thành viên của đội tuyển Việt Nam đã cho thấy bản lĩnh cũng như nhiệt huyết của một Hà Đức Chinh, cầu thủ dân tộc Mường, đang trưởng thành qua từng trận đấu, từng giải đấu. Sự trưởng thành ấy của Chinh là kỳ vọng cho một nền bóng đá nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung bay cao, bay xa hơn.
Và để kỳ vọng đó thành hiện thực đòi hỏi mỗi VĐV nỗ lực không ngừng, trong tập luyện cũng như trong thi đấu. Như VĐV Hoàng Thị Duyên đã giành Huy chương Vàng bởi sự táo bạo trong thi đấu (bỏ xa vị trí á quân đến 21kg). Dù lập kỳ tích tại SEA Games 30, Duyên vẫn chưa dành thời gian cho việc ăn mừng cũng như tạm gác lại chuyện về thăm gia đình. Cô vẫn duy trì tập luyện để chuẩn bị thi đấu tại giải cử tạ toàn quốc. Đó chính là tinh thần Việt Nam.
Danh sách một số VĐV người DTTS mang Huy chương Vàng về cho đất nước:
1. Hoàng Thị Duyên, dân tộc Giáy, bộ môn Cử tạ;
2. Trương Thị Phương Nguyên, dân tộc Sán Dìu, bộ môn Canoeing;
3. Đinh Thị Như Quỳnh, dân tộc Mường, bộ môn xe đạp;
4. Quách Thị Lan, dân tộc Mường, bộ môn điền kinh;
5. Lê Tú Chinh, dân tộc Hoa, bộ môn điền kinh;
6. Chương Thị Kiều, dân tộc Khmer, bóng đá nữ;
7. Lộc Thị Đào (3 Huy chương Vàng), dân tộc Tày, bộ môn bắn cung;
8. Nguyễn Thị Phương, dân tộc Mường, bộ môn bắn cung;
….