Vai trò quan trọngĐến thôn Văn Lâm 2, xã Phước Nam, hỏi ông Não Văn Sáu, dân tộc Chăm, Tộc trưởng Tộc họ Karit, ai ai cũng biết. Ông Sáu được nhân dân và chính quyền địa phương bầu chọn là Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, bởi ông là người tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, động viên con cháu, người thân trong gia đình, dòng tộc và mọi người trong cộng đồng thôn, khu dân cư phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, nhận thức đúng đắn công tác khuyến học, khuyến tài có vai trò quan trọng và cần thiết, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương, ông cùng tộc họ xây dựng Quỹ Khuyến học, Khuyến tài, kịp thời động viên con cháu đạt thành tích cao trong học tập.
Hiện nay, Quỹ có gần 150 người tham gia, với tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ không chỉ hỗ trợ học bổng cho con em, mà còn cho gia đình vay vốn làm ăn với lãi suất thấp. Đến nay, các hộ nghèo trong tộc họ đều có cuộc sống ổn định.
Chị Thập Thị Cúc cho biết: Trước đây, gia đình không có đất sản xuất, một mình phải làm thuê nuôi 2 con ăn học. Nhờ ông Sáu và tộc họ hỗ trợ, hiện nay, con lớn của chị đang là bác sĩ, người con thứ 2 cũng đã có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc.
Gương mẫu đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nghệ nhân Phú Bình Đồn, ở thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh được người dân trong vùng tin yêu, kính trọng và tôn vinh là “nhạc trưởng dàn nhạc Chăm”, bởi cả cuộc đời ông dành cho việc nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy cho con em các làng Chăm sử dụng thành thạo nhạc cụ cổ truyền của dân tộc mình. Trên 50 năm gắn bó máu thịt với nhạc cụ dân tộc Chăm, ông đã truyền dạy cho không biết bao nhiêu học trò, trong đó có rất nhiều người trở thành nhạc công của các đoàn nghệ thuật như: Thiên Ngọc Hoàng, Thiên Sanh Lục, Phú Quang Ngân… Dưới sự điều hành của “nhạc trưởng” Phú Bình Đồn, dàn nhạc truyền thống của gia đình ông không chỉ thực hành nhạc lễ theo tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Chăm, mà còn tích cực phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ hội ở địa phương...
Tích cực chăm lo cho người có uy tínĐồng chí Kiều Thanh Nhõa, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Thuận Nam, cho biết: Nhận thức rõ vị trí cũng như tầm quan trọng của các Già làng, Người có uy tín trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, huyện Thuận Nam đã dành nhiều sự chăm lo, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, chương trình của tỉnh đối với các đối tượng này. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, địa phương, vào dịp lễ, Tết truyền thống của mỗi dân tộc, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà để động viên, khích lệ tinh thần những Người có uy tín; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về pháp luật, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, tổ chức cho những người có uy tín đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương. Từ đó, giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng để tuyên truyền, vận động nhân dân các khu dân cư, nhất là vùng đồng DTTS thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Một trong những việc làm quan trọng nhất là hằng năm, huyện Thuận Nam đều tiến hành rà soát, lập danh sách xét Người có uy tín nhằm phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo Người có uy tín kế cận phù hợp với đặc điểm phong tục, tập quán của từng dân tộc để đảm bảo tính lâu dài, Bên cạnh đó, tạo điều kiện để Người có uy tín tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước và các tổ chức Mặt trận, HĐND…; tổ chức gặp mặt Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS trên địa bàn để ghi nhận, biểu dương những công lao, đóng góp của Người có uy tín đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, động viên đội ngũ Người có uy tín tiếp tục cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.
XUÂN NGUYỄN