Người Hrê ở Ba Tơ không chỉ nổi tiếng kiên cường trong thời kỳ kháng chiến mà còn nổi tiếng trong phong trào xây dựng quê hương. Đây là một trong những huyện có kinh tế-xã hội phát triển mạnh nhất so với các huyện miền núi ở Quảng Ngãi.
Sau 73 năm từ ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa giành nhiều thắng lợi đến nay, Ba Tơ đã và đang không ngừng phát triển. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm từng bước được hoàn thiện. Đường giao thông về các xã đã được nâng cấp tạo sự thông thương cho người dân đi lại ở 19 xã, thị trấn của huyện.
Các xã thị trấn đều có trạm y tế và 100 xã, thị trấn đều có bác sĩ. Năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo còn 32,5%, lương thực bình quân đầu người đạt trên 498kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/người /năm.
Đến các xã vùng An toàn khu Ba Chùa, Ba Động, Ba Giang, Ba Thành, Ba Dinh và thị trấn Ba Tơ chúng tôi thực sự cảm nhận về sự đổi thay của vùng đất này. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương đồng bào dân tộc Hrê ở các vùng chiến khu này, đã có nhiều sáng tạo trong cách nghĩ cách làm. Nhiều hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho phát triển trồng rừng. Và chính nhờ từ rừng toàn huyện đã có hàng ngàn hộ thoát nghèo.
Ông Phạm Văn Rạch, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vinh nói về cách làm của địa phương mình: “Chúng tôi luôn động viên bà con thường xuyên nghe đài, đọc báo để nắm bắt thông tin khoa học áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, khi xây dựng mô hình sản xuất, đảng viên phải gương mẫu đi đầu làm trước, sau đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Làm tốt được điều này thì mới có cơ may vươn lên thoát nghèo”.
Để đảng viên và người dân thấy mình nói được làm được, Bí thư Phạm Văn Rạch đã tiên phong làm mẫu với việc đầu tư kinh phí gần trăm triệu đồng xây dựng mô hình chăn nuôi gà re và ươm cây con phát triển trồng rừng. Hiện nay, cơ sở chăn nuôi gà của ông Rạch tấp nập người đến hỏi mua con giống. Mô hình trang trại của Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Rạch đã tạo được niềm tin làm giàu cho nhiều đảng viên và người dân địa phương.
Mô hình trồng rừng nguyên liệu keo ở Ba Tơ trong những năm qua, cũng khá thành công. Hằng năm, Ba Tơ trồng mới hơn 6.500 ha rừng với sản lượng gỗ khai thác đạt trên 600 ngàn mét khối và độ che phủ của rừng đạt hơn 70%. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng là thế mạnh ở Ba Tơ. Trước kia, người Hrê ở Ba Tơ nuôi trâu chỉ phục vụ cho cày kéo, còn bây giờ bà con phát triển nuôi trâu lấy thịt. Hiện nay đàn trâu toàn huyện đã phát triển được hơn 28 ngàn con. Nhiều hộ gia đình Hrê ở Ba Tơ đã nuôi được hàng chục con trâu lấy thịt bán phục vụ khách du lịch.
Kinh tế phát triển đời sống tinh thần của người Hrê ở chiến khu Ba Tơ được cải thiện đáng kể. Nhiều nghệ nhân ở vùng chiến khu đã bỏ công sức sưu tầm gìn giữ bản sắc văn hóa cổ truyền của tộc người Hrê. Đêm về ở những bản làng của người Hrê lại rộn vang tiếng chiêng, đàn vinh vút, sáo tà lia, a khung...
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, Trần Trung Triết, không giấu được niềm vui cho biết: “Trong thời gian tới, Ba Tơ sẽ tập trung đoàn kết làm tốt 4 vấn đề lớn đó là, xây dựng đội ngũ cán bộ địa phương, có đức, có năng lực; phát triển trồng rừng; chăn nuôi và phát triển du lịch. Để thực hiện tốt những vấn đề trên, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện; tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà đầu tư. Tin rằng tinh thần hào khí cuộc khởi nghĩa Ba Tơ sẽ tạo cho vùng chiến khu Ba Tơ năm xưa tiếp tục được khởi sắc hơn qua mỗi mùa xuân”.
ĐINH QUANG