Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn 2 đợt so với năm 2023. Dự kiến, đợt thi sớm nhất sẽ diễn ra vào ngày 23 và 24/3; đợt thi cuối dự kiến diễn ra vào ngày 1 và 2/6. Thí sinh đăng kí dự thi từ tháng 2/2024 và được đăng kí tối đa hai lượt mỗi năm, thời gian giữa hai đợt tối thiểu 28 ngày.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giữ ổn định chỉ tiêu, phương thức xét tuyển như năm ngoái, trong đó khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp tăng lên 80%, tuyển thẳng 2%.
Dự kiến từ năm 2025, trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường (các trường trực thuộc đơn vị).
Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy năm 2024, tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn kết quả tốt nhất trong công tác xét tuyển. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 2 - 3/12/2023; đợt 2 từ ngày 20 - 21/1/2024; đợt 3 từ ngày 9 - 10/3/2024; đợt 4 từ ngày 27 - 28/4/2024; đợt 5 từ ngày 8 - 9/6/2024; đợt 6 từ ngày 15 - 16/6/2024.
Năm 2024, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ xét tuyển theo 4 phương thức. Trong đó phương thức 1 là xét tuyển bằng học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 với mức điểm từ 20 điểm trở lên cho 20% - 30% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 2 là xét tuyển bằng đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức với mức điểm từ 650 điểm cho các ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Marketing và ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc và 600 cho các ngành khác cho 10% - 15% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 3 là xét tuyển thẳng cho các thí sinh loại giỏi các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 và có điểm môn Tiếng Anh từ 8 trở lên cho tối đa 10% chỉ tiêu. Phương thức 4 là xét tuyển bằng điểm thi THPT từ 50% - 60% tổng chỉ tiêu.
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong 2 đợt trước kì thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, đợt 1 dự kiến vào ngày 7/4/2024 và đợt 2 vào ngày 2/6. Kì thi được tổ chức tại 23 địa điểm thi tại các tỉnh/thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu, Bình Phước và Tây Ninh.
Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cũng tuyển sinh các phương thức khác bao gồm như: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT năm 2024 theo quy định của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại họ Quốc gia TP Hồ Chí Minh theo danh sách các trường THPT trong cả nước.
Bên cạnh đó, trường xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh; xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài cho chương trình chuyển tiếp quốc tế.
Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh theo 2 phương thức. Phương thức 1 là tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường với 45% tổng chỉ tiêu. Phương thức 2 là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 55% tổng chỉ tiêu.
Theo phương thức tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh năm 2024, trường thực hiện bốn phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, 25% tổng chỉ tiêu; Xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, 30% tổng chỉ tiêu; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ, 40% tổng chỉ tiêu; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với 5% tổng chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là khoảng 6.610 cho 36 ngành đào tạo.
Năm 2024, nhà trường mở hai ngành đào tạo mới là kinh tế số và kỹ thuật phần mềm. Chỉ tiêu của các ngành này nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2024.
Về điều kiện xét tuyển ở phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh đạt tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển từ 18 điểm trở lên.
Với phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 3 học kỳ xét tuyển (gồm học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên. Phương thức xét học bạ, trường bắt đầu nhận hồ sơ từ 15/1. Nhà trường tiếp tục mở rộng chính sách học bổng tuyển sinh gồm các mức 25%, 50%, 100%. Ngoài ra, thí sinh có các chứng chỉ IELTS khi tham gia xét tuyển vào trường, đạt từ IELTS 6.0 đến 7.5 có cơ hội nhận học bổng các mức từ 25% đến 100%.
Nhà trường tiếp tục triển khai chính sách học bổng doanh nghiệp 35% toàn khóa học cho các ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc, Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Công nghệ truyền thông, Quan hệ quốc tế, Khoa học dữ liệu, Tâm lý học, Thiết kế đồ họa, Kỹ thuật phần mềm, Quản trị sự kiện, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị khách sạn.
Còn các lĩnh vực lĩnh vực học thuật, thể thao, nghệ thuật, các thí sinh đạt giải thi cao trong các cuộc thi liên quan đến các lĩnh vực này, được xét học bổng từ 25% đến 100%.
Trường Đại học Văn Lang cũng dự kiến công bố đề án tuyển sinh năm 2024 vào tháng 1/2024 và đề án sẽ không có thay đổi so với năm 2023. Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển tương đương năm 2023, tức khoảng 14.000. Các phương thức xét tuyển gồm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ), xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM, xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu và xét tuyển thẳng.