Từ tháng 5/2021, thành phố Hạ Long triển khai tiếp nhận 100% hồ sơ trực tuyến đối với 2 thủ tục chuyển mục đích và chuyển nhượng thuộc lĩnh vực đất đai trên cổng dịch vụ công.
Đến nay, sau 1 năm chuyển đổi từ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp sang tiếp nhận trực tuyến, số lượng công dân biết cách tiếp cận và sử dụng dịch vụ công đã tăng cao, số lượng hồ sơ tiếp nhận, xử lý trên môi trường mạng tăng lên rõ rệt.
Thế nhưng, theo chia sẻ của nhiều người dân, việc nộp hồ sơ còn gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc đối với những người xa khu vực trung tâm và ngay những phường nằm ngay gần trung tâm thành phố.
Còn nhớ sau 3 lần ròng rã đạp xe gần 40 km trên những con đường đèo, dốc quanh co ra Trung tâm hành chính công thành phố cơ sở 2 (phường Hoành Bồ, thành phố Hạ Long) để được hướng dẫn đầy đủ thủ tục vào phần mềm, scan tài liệu chuyển đổi mục đích sử dụng, bà N.T.B, xã Kỳ Thượng chia sẻ, xã gần 100% là người Dao, đến chữ nghĩa còn khó, chứ nói gì đến công nghệ thông tin. Nhiều nhà muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng thủ tục thay đổi sang nộp trực tuyến phải dùng công nghệ thông tin nhiều nên loay hoay không biết làm sao cả.
Bà ngậm ngùi: “Nói thật chúng tôi học hành thì ít, ngay cả chữ nghĩa còn khó, công nghệ thông tin thì mù tịt luôn nên không biết nộp trực tuyến. Rất mong các cơ quan quan tâm, hỗ trợ giúp chúng tôi. Chứ không nhiều khi muốn làm, rồi có mấy người vào bảo làm dịch vụ cho mà thu phí cao lắm nên vẫn chưa làm được”.
Đồng cảnh ngộ ấy, xã Đồng Lâm - xã đặc biệt khó khăn của thành phố Hạ Long, với diện tích lớn gần 12 nghìn ha nhưng dân cư lại khá thưa thớt (715 hộ dân, 2.700 dân chủ yếu là đồng bào Dao Thanh Phán), người dân cũng còn nhiều gian nan trong việc nộp hồ sơ trực tuyến. Phóng viên báo Dân tộc và Phát triển khá bất ngờ khi hẹn gặp Chủ tịch UBND xã, nhưng đến Ủy ban thì điện thoại cột sóng lại không còn vạch nào để liên lạc.
Ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm, thành phố Hạ Long, chia sẻ: “Hạ tầng viễn thông của xã quá khó khăn nên còn khó tiếp cận công nghệ thông tin. Hạ tầng giao thông còn kém, từ trung tâm xã đi đến các trung tâm thôn khoảng 20km, đường dốc, quanh co. Ngay cả nhận thức của người dân về các dịch vụ công còn chưa cao nên việc hướng dẫn cho người dân còn nhiều khó khăn lắm”.
Ngay cả các phường gần trung tâm hành chính công thành phố, người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhưng thời gian tiếp nhận lại quá lâu! Chị H.T.D, phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long cho biết: “Tôi đã hoàn thiện và gửi hồ sơ trực tuyến thành công, được báo trên phần mềm chậm nhất sau một ngày làm việc kể từ ngày gửi thành công sẽ được thông báo, nhưng thực tế đến gần 10 ngày mới báo tiếp nhận. Tôi thấy khá nhiều người bức xúc vì sự chậm trễ này. Chậm mà cũng không hề phản hồi về sự chậm trễ ấy!”.
Lý giải về sự chậm trễ trong tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, lãnh đạo trung tâm hành chính công cho biết từ khi thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, số lượng hồ sơ tăng lên rất nhiều, không khống chế hồ sơ và thời gian dẫn đến hiện tượng quá tải hồ sơ. Nhân lực của Trung tâm hành chính công thành phố dàn ra 2 cơ sở nên nhiều khi phải điều chuyển linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ.
Bà Nguyễn Bảo Phương, Giám đốc Trung tâm hành chính công thành phố Hạ Long cho biết, trung tâm hành chính công thành phố vẫn đang cân đối nhân lực cán bộ phòng chuyên môn và cán bộ chuyên trách tại trung tâm hành chính công thành phố.
Bà nhấn mạnh: “Hiện tại thành phố đang giao cho văn phòng đất làm đề án tự chủ về nhân lực gửi kế hoạch lên tỉnh nhưng chưa được phê duyêt. Nếu giải quyết được bài toán nguồn nhân lực thì sẽ đỡ rất nhiều cho khâu tiếp nhận hồ sơ”.
Mong rằng tỉnh Quảng Ninh sớm có phương án hợp lý đáp ứng nguồn nhân lực giải quyết khó khăn cho người dân khi nộp hồ sơ trực tuyến, tối ưu hóa tính ưu việt của hồ sơ trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.