Năm 2014, Ăm Hùng được bầu làm Người có uy tín. Với trách nhiệm của mình ông không quản ngại khó khăn, nỗ lực để tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con. Trong lĩnh vực giúp dân phát triển kinh tế, ông luôn tìm tòi học hỏi các tiến bộ khoa học áp dụng vào sản xuất để hướng dẫn bà con làm theo. Với sự tận tâm, Ăm Hùng đã giúp nhiều hộ gia đình người Pa Kô, Vân Kiều ở bản A Máy vươn lên thoát nghèo.
Ông Y Thanh, một người dân ở xã A Xing cho biết: Trước đây, cuộc sống người Pa Kô, Vân Kiều ở đây rất khó khăn, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy vì vậy nhiều hộ luôn bị thiếu đói. Bản thân gia đình Y Thanh cũng nằm trong diện hộ nghèo.
Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với đó là sự hướng dẫn tận tình của những Người có uy tín như Ăm Hùng nên bà con dân bản dần đã biết thay đổi cách làm ăn như gia đình Y Thanh và nhiều hộ khác đã thoát được nghèo đói nhờ biết trồng rừng và chăn nuôi lợn gà, trâu bò.
“Đợt bình xét hộ nghèo vừa qua gia đình mình đã xin rút khỏi danh sách hộ nghèo bởi gia đình mình bây giờ đã có của ăn của để, con cái được gửi ra trường huyện học rồi” ông Y Thanh vui mừng nói.
Theo chia sẻ của ông Ăm Hùng, trước đây, gia đình ông cũng thuộc diện hộ nghèo ở A Máy. Năm 2006, sau khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được xây dựng tại địa phương, được sự động viên từ các cấp chính quyền, Ăm Hùng là người đi đầu trong việc khai hoang, phục hóa đất trống, đồi núi trọc để trồng sắn. Vụ sắn đầu tiên, gia đình thu hoạch được khoảng 30 tấn sắn thương phẩm và bán được 20 triệu đồng.
“Từ số tiền thu được, tôi mua máy cày phục vụ sản xuất. Chỉ sau hơn 1 năm thâm canh cây sắn, gia đình tôi đã thoát nghèo và trả lại căn nhà hộ nghèo được các cấp chính quyền hỗ trợ xây dựng trước đó cho địa phương. Từ đó đến nay, gia đình tiếp tục đầu tư trồng sắn và mở trang trại, chăn nuôi thêm bò, trồng lúa rẫy để nâng cao thu nhập cho gia đình”, ông Ăm Hùng chia sẻ.
Đến nay, gia đình Ăm Hùng có một trang trại chăn nuôi gia súc với đàn bò 15 con, đàn trâu 15 con, 5ha sắn, 2ha lúa rẫy… Trung bình mỗi năm, gia đình ông có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Từ tấm gương của Ăm Hùng, người dân thôn A Máy nói riêng và xã A Xing nói chung đã học theo ông cách trồng sắn, nuôi bò để thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Ông cũng luôn tích cực hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ họ nguồn giống, kinh phí…
Ông Hồ Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã A Xing cho biết: A Xing là một xã biên giới của huyện vùng cao Hướng Hóa, có 500 hộ dân, 2.727 nhân khẩu. Xã có 3 dân tộc cùng chung sống gồm Pa Kô (438 hộ), Vân Kiều (52 hộ), Kinh (10 hộ). Trên địa bàn xã có 7 Người có uy tín được nhân dân các bản làng bầu ra. Thời gian qua, đội ngũ những Người có uy tín đã phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, từ đó động viên bà con hăng say lao động sản xuất để sớm thoát nghèo đói.
Nhờ những Người có uy tín như Ăm Hùng thường xuyên sâu sát tìm hiểu, vận động, tuyên truyền cách làm ăn hay cho bà con nên những năm gần đây, đời sống của người dân xã A Xing có nhiều khởi sắc. Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng trên 797ha; trong đó, lúa rẫy 54,8ha, lúa nước 21ha, ngô 58ha, tiêu 15ha, cao su 48,5ha, bời lời 55ha, rừng tràm 5ha… Ngoài ra, người dân còn trồng nhiều loại cây ăn quả khác như chuối, dứa với diện tích 14ha. Có được những bước chuyển biến tích cực như vậy, phải kể đến sự đóng góp không hề nhỏ của những Người có uy tín như ông Ăm Hùng.
MINH THỨ